Kế tục truyền thống của cha ông ta trước đây, ngay sau khi giành được chính quyền, Đảng, Nhà nước đã sớm xây dựng hệ thống pháp luật ưu đãi đối với những người có công như thương binh, gia đình liệt sĩ, đồng thời động viên toàn dân làm tốt phong trào chăm sóc, giúp đỡ các đối tượng này.
Ngày 16-2-1947, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 20/SL về "Ưu đãi người có công", sau đó được bổ sung, sửa đổi bằng Sắc lệnh 242/SL ngày 12-10-1948 quy định tiêu chuẩn xác nhận thương binh, truy tặng "tử sĩ", thực hiện chế độ "lương hưu thương tật" đối với thương binh, chế độ "tiền tuất" đối với gia đình "tử sĩ". Đây là các văn bản pháp luật đầu tiên ở Việt Nam đặt nền móng cho hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng của Đảng và Chính phủ. Trong thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức "Ngày thương binh toàn quốc" (17-7-1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý chọn ngày 27-7 hằng năm là "Ngày Thương binh - Liệt sĩ", ngày nhân dân bày tỏ lòng hiếu nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, đánh dấu sự ra đời của các hoạt động tình nghĩa"Đền ơn đáp nghĩa","Uống nước nhớ nguồn" đối với người có công với cách mạng.
71 năm qua, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, có thể điểm qua các giai đoạn:
1. Từ năm 1947 đến kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1954), Nhà nước đã ban hành 24 văn bản dưới hình thức Sắc lệnh, Nghị định, Thông tư, Thông lệnh quy định những vấn đề cơ bản như: Quy định tiêu chuẩn để xác định thương binh, tử sĩ; quy định trợ cấp hằng tháng đối với thương binh, thân nhân tử sĩ, việc huấn luyện nghề, sắp xếp việc làm, các chính sách ưu tiên đối với thương binh; gia đình tử sĩ được tặng "Bảng Tổ quốc ghi ơn", thương binh được cấp Huy hiệu Thương binh; tổ chức các Trại an dưỡng để thu nhận và chăm sóc thương binh, bệnh binh; đồng thời tháng 7-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào "Đón thương binh về làng" chăm sóc; lập quỹ nghĩa thương; tổ chức bộ máy Bộ Thương binh - Cựu binh. Thành lập trong mỗi khu kháng chiến một Sở Thương binh - Cựu binh, trong mỗi tỉnh hoặc liên tỉnh một Ty Thương binh - Cựu binh.
Như vậy, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù hoàn cảnh đất nước còn nghèo, nhưng Nhà nước đã ban hành một số văn bản thể hiện sự ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, đồng thời đề ra chủ trương hết sức đúng đắn là toàn dân tham gia chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ.
2. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), chế độ ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ được quan tâm với việc ban hành 184 văn bản pháp luật, trong đó quy định một số điểm quan trọng như: Tiếp tục xác nhận và giải quyết quyền lợi cho những quân nhân, dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật, bị chết trong chiến tranh; đối với những người hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, Nhà nước đã sửa đổi tiêu chuẩn "liệt sĩ" thay tiêu chuẩn "tử sĩ" trước đây, cấp Bằng Tổ quốc ghi công thay "Bảng Tổ quốc ghi ơn" liệt sĩ; quy định việc cất bốc quy tập mộ liệt sĩ, xây dựng các nghĩa trang liệt sĩ. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngày càng cam go, quyết liệt, Đảng, Nhà nước đã phát động cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện với sự đóng góp hy sinh to lớn của mọi tầng lớp, mọi lực lượng, chế độ ưu đãi đối với người có công được bổ sung các đối tượng mới như:
Chế độ đối với thanh niên xung phong (Chỉ thị số 71/TTg ngày 21-6-1965); Chế độ đối với dân công thời chiến (Nghị định số 77/CP ngày 26-4-1966); Chế độ đối với lực lượng vận tải nhân dân (Quyết định số 84/CP ngày 04-5-1966); Chế độ đối với công nhân viên chức, cán bộ giữ chức vụ chủ chốt ở xã, dân công phục vụ các chiến trường quan trọng và nhân dân (Nghị định số 111B/CP) ngày 20-7-1968; Chế độ đối với cán bộ y tế làm nhiệm vụ cấp cứu phòng không (Nghị định số 111/CP ngày 28-6-1973). Đồng thời Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản thể hiện trách nhiệm đối với người có công như: Văn bản quy định những ngành nghề dành để sắp xếp thương binh vào làm việc, các cơ quan xí nghiệp phải nhận thương binh theo tỷ lệ 5% biên chế; quy định chế độ ưu đãi trong giáo dục - đào tạo, trong y tế, được miễn, giảm giá vé tàu xe…
Sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đối với người có công trong giai đoạn này đã góp phần to lớn, ổn định hậu phương, động viên cán bộ chiến sĩ và nhân dân hăng hái trong chiến đấu, hết lòng chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
3. Giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1985, chính sách ưu đãi người có công có những thay đổi bổ sung cho phù hợp tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước sau khi Tổ quốc thống nhất. Chính sách ưu đãi người có công tập trung vào các nhiệm vụ như giải quyết các tồn đọng sau chiến tranh, thống nhất các chế độ ưu đãi trong cả nước. Trong giai đoạn này, Đảng và Nhà nước đã ban hành 523 văn bản pháp luật ưu đãi người có công, điển hình như:
Chỉ thị 223/CT-TƯ ngày 8-7-1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng xác định yêu cầu nhiệm vụ của công tác thương binh, liệt sĩ sau chiến tranh. Ban Đại diện Trung ương Đảng ở miền Nam có Chỉ thị số 15/CT-76 về việc tăng cuờng công tác thương binh xã hội ở miền Nam, tập trung vào công tác xác nhận thương binh, liệt sĩ, cất bốc quy tập mộ liệt sĩ, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, tổ chức ổn định cuộc sống của người có công...
Thực hiện thống nhất chính sách ưu đãi trong cả nước, Nhà nước đã bổ sung, sửa đổi một số quy định về chế độ đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, về công tác mộ liệt sĩ (Nghị định số 45/CP ngày 13-01-1976; Quyết định số 60/CP ngày 05-4-1976); bổ sung quy định ưu đãi người có công giúp đỡ cách mạng (Quyết định số 208/CP ngày 20-7-1977) và bệnh binh (Quyết định số 78/CP ngày 13-4-1978) là đối tượng người có công với cách mạng. Bổ sung đối tượng, tiêu chuẩn xác nhận thương binh, bệnh binh, liệt sĩ trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế (Quyết định số 301/CP ngày 20-9-1980).
Trong cuộc sống yên bình của đất nước đã được độc lập, thống nhất, cả nước đã dấy lên phong trào đi tìm "địa chỉ đỏ", tìm đồng đội thân yêu. Trong thời gian này đã có hơn 60 vạn hài cốt liệt sĩ được đưa vào gần 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, ở 159 huyện và có gần 1.000 Bia ghi tên liệt sĩ được xây dựng.
Có thể khẳng định trong giai đoạn 1975-1985, trong điều kiện đất nước vừa có hòa bình lại phải tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam (1978) và biên giới phía Bắc (1979), song Nhà nước đã ban hành, bổ sung, sửa đổi nhiều văn bản pháp luật ưu đãi đối với người có công, khắc phục được một số bất hợp lý, hình thành một số văn bản pháp quy có hiệu lực thực hiện thống nhất trong cả nước, giải quyết một khối lượng lớn công việc do hậu quả chiến tranh để lại.
4. Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo (từ năm 1986 đến nay), cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Đảng hết sức quan tâm đến việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (1991) nhấn mạnh: "Quan tâm chăm sóc thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ và những nguời có công với cách mạng, coi đó vừa là trách nhiệm của Nhà nước, vừa là trách nhiệm của toàn dân; sớm ban hành chế độ toàn dân đóng góp vào Quỹ đền ơn, trả nghĩa để chăm lo đời sống thương binh, gia đình liệt sĩ và những nguời có công với cách mạng". Thực hiện Nghị quyết của Đảng, Nhà nước đã ban hành một số văn bản quy phạm ưu đãi người có công, trong đó đáng lưu ý nhất là Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng (gọi tắt là Pháp lệnh ưu đãi người có công) và Pháp lệnh phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng được công bố ngày 10-9-1994. Pháp lệnh ưu đãi người có công quy định những nội dung cơ bản như: Xác nhận đối tượng là người có công với cách mạng; Thực hiện chế độ trợ cấp ưu đãi; Thực hiện chế độ ưu đãi ngoài trợ cấp; Chế độ khen thưởng, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở lĩnh vực ưu đãi người có công; Quy định chế độ quản lý nhà nước về ưu đãi xã hội.
Việc tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng của Đảng đã đem lại kết quả thiết thực. Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" với 5 chương trình tình nghĩa: Xây dựng nhà tình nghĩa; lập Quỹ đền ơn đáp nghĩa; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; đón thương binh nặng về chăm sóc tại gia đình và nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã phát triển rộng khắp với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. "Tính đến ngày 31-12-1996 đã có: Hơn 10 vạn ngôi nhà trị giá gần 500 tỷ đồng đã được tặng cho thương binh, gia đình liệt sĩ. Hơn 268 ngàn sổ tiết kiệm trị giá hơn 93,5 tỷ đồng đã được trao tặng. 39 tỉnh, thành phố và lực lượng vũ trang đã thành lập Quỹ đền ơn đáp nghĩa với số tiền xấp xỉ 99 tỷ đồng. Trên 95% thương binh nặng về sống với gia đình đều có cuộc sống ổn định. Trên 10.696 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và gần 20 ngàn thương binh, bệnh binh nặng được các đơn vị, cá nhân nhận chăm sóc, phụng dưỡng". Việc xác minh, tìm kiếm, cất bốc hài cốt, quy tập mộ liệt sĩ vào các nghĩa trang, khắc tên các liệt sĩ vào Bia tưởng niệm và thông báo cho gia đình liệt sĩ về phần mộ liệt sĩ được tiếp tục thực hiện. Các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức Lễ truy điệu và an táng hài cốt các Liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại nước Cộng hoàn Dân chủ nhân dân Lào và Cộng hòa nhân dân Campuchia tại các nghĩa trang liệt sĩ. Điều đó thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc và tình cảm thiêng liêng đối với những người người đã hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế cao cả, đồng thời làm vơi đi nỗi đau của thân nhân liệt sĩ.
Chính sách ưu đãi đối với người có công tiếp tục được sửa đổi với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29-6-2005. Tiếp đó, ngày 21-6-2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, số 35/2007/PL-UBTVQH11, theo đó Điều 9 và Điều 10 của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng được sửa đổi, bổ sung. Như vậy, đến nay lĩnh vực ưu đãi xã hội đối với người có công với cách mạng có 03 Pháp lệnh được điều chỉnh là: Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công. Các hệ thống văn bản pháp luật về ưu đãi người có công tương đối đầy đủ và cơ bản đã thể chế hóa được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân tham gia tích cực vào việc đền ơn đáp nghĩa, chăm lo, trợ giúp người có công và tạo môi trường thuận lợi để họ khắc phục khó khăn, khẳng định vai trò trong cộng đồng xã hội.
Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng (2011) nhấn mạnh: "Huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công. Giải quyết dứt điểm các tồn đọng về chính sách người có công..."
Thực hiện chủ trương của Đảng, hướng tới Kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 (1947-2012), Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 28-4-2012 Về việc tăng cường chăm sóc người có công với cách mạng và hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Chỉ thị khẳng định: Tri ân những người có công với cách mạng là đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể nhân dân. Hơn 60 năm qua, Đảng, Nhà nước đã không ngừng hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công. Các cơ quan đoàn thể và nhân dân cùng với các cơ quan Nhà nước đã tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công. Đến nay, hơn 96% gia đình có công đã có mức sống trung bình trở lên. Người có công và thân nhân của họ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội chủ trương thực hiện Tổng rà soát, hoàn thiện chính sách với người có công với cách mạng. Chương trình Tổng rà soát chính sách người có công với cách mạng trong 2 năm (2014-2015) nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, có ý nghĩa vô cùng quan trọng thể hiện trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với những người có công; giải quyết kịp thời những trường hợp có công nhưng chưa được hưởng, xử lý những trường hợp không đúng. Đợt rà soát này nhằm phát hiện và xử lý những trường hợp gian lận hồ sơ để được hưởng chính sách, đồng thời biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân thực hiện tốt chính sách đối với người có công. Trên cơ sở đó phát huy và tăng cường sức mạnh tổng hợp, sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, sự đóng góp của toàn xã hội để chăm lo và ổn định đời sống của người có công với cách mạng và gia đình họ, tạo thêm lòng tin của nhân dân đối với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng (2016) tiếp tục khẳng định: "Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước; bảo đảm người có công có mức sống từ trung bình trở lên". Hệ thống chính sách ưu đãi đối với người có công tiếp tục được hoàn thiện với việc ban hành Thông tư số 22/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội ngày 29-6-2016 Hướng dẫn điều chỉnh trợ cấp ưu đãi đối với nhóm đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận và đang hưởng trợ cấp trước ngày 01-9-2012.
Như vậy, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng của Đảng và Nhà nước trong 70 năm qua được ban hành, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện. Chính sách đó đã nhanh chóng được thực hiện tạo ra sức mạnh tổng hợp về chính trị, kinh tế và xã hội, sự đồng thuận giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân và bản thân người có công với cách mạng, có tác động sâu sắc đến toàn xã hội, cùng với Nhà nước chăm lo người có công với cách mạng, phát huy truyền thống, đạo lý của dân tộc "uống nước nhớ nguồn, "đền ơn đáp nghĩa" trong thời kỳ đổi mới.
Đánh giá thành tựu của 30 năm đổi mới về lĩnh vực người có công, Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới đã khẳng định: "Chính sách ưu đãi người có công đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Cả nước hiện có khoảng 8,8 triệu người có công, chiếm khoảng 10% dân số, có khoảng 1,4 triệu người được hưởng trợ cấp thường xuyên. Bảo đảm mức sống của người có công bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn cư trú".
Kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947-2018), nhiều địa phương trong cả nước đã và đang tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm tiếp tục tôn vinh người có công với cách mạng như: Đẩy mạnh công tác chăm sóc, đền ơn đáp nghĩa đối với người có công và thân nhân của họ; chăm sóc, tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ, bia ghi tên liệt sĩ; giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" cho thế hệ trẻ.
Viết bình luận