Bệnh Dại và các quy định về trách nhiệm của chủ vật nuôi
I. PHÒNG CHỐNG BỆNH DẠI
1. Khái niệm bệnh dại và đường truyền lây
Bệnh Dại (Rabies) là bệnh lây truyền giữa động vật và người. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở động vật máu nóng gây ra do vi rút Lyssa và Vesiculo thuộc họ Rhabdoviridae. Động vật sau khi nhiễm vi rút dại có thời gian ủ bệnh khác nhau tùy thuộc loài, độc lực của vi rút và vị trí vết cắn. Vi rút xâm nhập vào cơ thể được nhân lên và hướng tới hệ thần kinh, phá hủy mô thần kinh, gây nên những kích động điên dại và kết thúc bằng cái chết. Thời gian ủ bệnh ở động vật có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng, có thể lâu hơn, nhưng trước 10 ngày phát bệnh, vi rút có thể gây nhiễm cho người và động vật khác. Vi rút dại có nhiều trong nước bọt của chó, mèo và động vật mắc bệnh, kể cả khi con vật chưa có dấu hiệu lâm sàng.
Đường truyền lây: Vi rút xâm nhập qua các vết cắn, vết liếm, vết cào, da, niêm mạc bị tổn thương, vết thương hở.
3. Các biểu hiện bệnh Dại ở chó, mèo:
a. Ở chó:
- Chó bị Dại có dấu hiệu khác thường như trốn vào góc tối , kín đáo, tru lên từng hồi, bồn chồn, nhảy lên đớp không khí. Chó liếm hoặc tự cắn, cào đến rụng lông chảy máu.
- Chó bỏ ăn, sốt có biểu hiện khát nước, muốn uống nhưng không nuốt được, chảy nước dãi, sùi bọt mép, bồn chồn, sợ sệt đi lại không có chủ định, trở lên dữ tợn điên cuồng. Con vật đi và không trở về; trên đường đi gặp vật lạ gì cũng cắn, gặm, tấn công chó khác kể cả người.
- Thời kỳ bại liệt: Chó bị liệt, không nuốt được thức ăn, nước uống liệt hàm, lưỡi, trễ hàm, thè lưỡi ra ngoài, nước dãi chảy ra chân sau liệt.
- Chó chết trong khoảng 3-7 ngày sau khi có triệu chứng đầu tiên do liệt cơ hô hấp và kiệt sức vì không ăn uống được.
b. Ở mèo:
- Mèo ít bị bệnh Dại hơn chó, bệnh Dại ở mèo cũng tiến triển như chó.
- Mèo hay núp mình vào chỗ vắng, hay kêu, bồn chồn; khi người chạm vào thì nó cắn mạnh và hăng tạo vết thương sâu.
4. Biểu hiện của người mắc bệnh Dại.
Người mắc bệnh Dại sẽ có các dấu hiệu và triệu chứng sau đây;
- Đau hoặc ngứa ở vết cắn( trên 80% các trường hợp)
- Sốt, mệt mỏi, đau đầu kéo dài 2- 4 ngày.
- Sợ nước, ở giai đoạn sau chỉ thoáng nhìn thấy hình ảnh nước đã có thể gây co thắt ở cổ họng.
- Không chịu được tiếng ồn, ánh sáng.
- Sợ hãi khi cảm thấy cái chết sắp xảy ra.
- Tăng động, tức giận, bứt rứt hoặc trầm cảm.
- Thời gian phát bệnh thường là 2-3 ngày, nhưng có thể kéo dài 5-6 ngày hoặc dài hơn khi được chăm sóc tích cực.
5. Các biện pháp phòng, chống bệnh Dại:
- Hạn chế nuôi chó.
- Nếu nuôi chó phải đăng ký với UBND phường.
- Hàng năm định kỳ tiêm phòng dại cho chó, mèo.
- Tránh tiếp xúc với chó, mèo lạ.
- Nuôi chó phải xích nhốt, khi dắt chó ra ngoài phải có rọ mõm.
- Không nên điều trị thuốc nam khi bị chó, mèo nghi bị dại cắn.
-Trường hợp người có nguy cơ cao với vi rút dại như người làm nghề giết mổ, người đi đến khu vực có lưu hành bệnh Dại cần đến cơ sở y tế, trung tâm y tế để khám tư vấn và tiêm vắc xin dự phòng Dại.
- Khi phát hiện chó, mèo có những biểu hiện bất thường như bỏ ăn hoặc ăn ít, sốt cao hung dữ khác thường nghi mắc Dại cắn người, phải nhốt cách ly để theo dõi, đông thời báo cáo ngay với nhân viên thú y phường, Chính quyền địa phương, Trạm thú y để xác minh và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.
- Đối với động vật bị Dại, gia đình cần phối hợp với cơ quan thú y. Chính quyền địa phương diệt ngay chó hoặc động vật lên cơn Dại hoặc nghi mắc bệnh Dại. Thực hiện tiêu hủy động vật bị mắc bệnh Dại hoặc chết vì bệnh Dại , vệ sinh tiêu độc khử trùng vùng ổ dịch. Tất cả chó, mèo trong vùng ổ dịch phải được nhốt cách ly theo dõi những con vật nghi mắc bệnh, nhiễm bệnh Dại. Không được vận chuyển đưa chó, mèo ra vào vùng có dịch. Những người trực tiếp làm vệ sinh khử trùng, tiêu độc phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ theo hướng dẫn của cơ quan Thú y.
- Đối với người bị chó, mèo nghi dại cào, cắn, liếm hoặc đã tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh cần đến ngay trung tâm y tế quận hoặc trạm y tế phường để được khám tư vấn và tiêm phòng vắc xin Dại càng sớm càng tốt.
6. Cách xử lý khi bị chó, mèo cắn.
- Người bị chó, mèo cắn, cào phải rửa ngay vết thương bằng xà phòng và dưới vòi nước chảy trong vòng 15 phút sau đó sát khuẩn bằng cồn ( tốt nhất là cồn 900). Sau khi đã xử lý vết thương, phải khẩn trương đến trạm y tế gần nhất để được hướng dẫn, điều trị tránh làm vết thương dập nát thêm.
- Khi đã lên cơn dại thì không thể chữa được kể cả người và động vật. Phương pháp tốt nhất là tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó mèo.
II. CÁC QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA CHỦ VẬT NUÔI.
- Thực hiện đăng ký việc nuôi chó, mèo với UBND phường;
- Tiêm phòng dại định kỳ hàng năm của cơ quan thú y;
+ Tiêm lần đầu cho chó, mèo được 2 tháng tuổi.
+ Nếu chó con được sinh ra từ chó mẹ đã được tiêm phòng thì tiêm cho chó con vào lúc chó được 3 tháng tuổi và sau đó tiêm nhắc lại mỗi năm một lần.
- Ký cam kết thực hiện: "5 không" khi nuôi chó, mèo.
a) Không nuôi chó, mèo khi chưa khai0 báo với chính quyền địa phương.
b) Không nuôi chó, mèo không tiêm phòng bệnh dại.
c) Không nuôi chó thả rông.
d) Không để chó cắn người.
đ) Không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường.
- Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm hoặc xích chó và có người dắt, nuôi chó tập trung phải đảm bảo vệ sinh thú y, môi trường.
- Chịu mọi chi phí trong trường hợp chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó.
- Xử lý vi phạm hành chính đối với chủ nuôi chó, mèo không chấp hành tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo của mình theo quy định tại Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y và Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03/1/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017( cụ thể phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không tiêm phòng vắc 0xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng)
- Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội./.
Viết bình luận