Bệnh đạo ôn là một trong những bệnh rất nguy hiểm, gây hại phổ biến và nghiêm trọng ở các nước trồng lúa trên thế giới. Vụ xuân năm 1992 ở miền Bắc diện tích bị bệnh đạo ôn lá là 292.000 ha, trong đó có tới 241.000 ha bị bệnh đạo ôn cổ bông; các xã vũng trũng ven sông Nhuệ, vùng trũng ven núi và vùng trũng bán sơn địa ở Hà Nội bị thiệt hại nặng, xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa) gần như mất trắng. Vụ xuân năm 2017 ở Hà Tĩnh bệnh đạo ôn lá nhiễm 2.024 ha, nhiễm nặng 124 ha; bệnh đạo ôn cổ bông nhiễm 20.782 ha, nhiễm nặng 7.633 ha, mất trắng 13.149 ha. Theo Padmanabhan khi lúa bị bệnh đạo ôn cổ bông 1% thì năng suất lúa có thể bị giảm 0,7-17,4% tùy thuộc vào các yếu tố có liên quan khác.
Bệnh đạo ôn trên lúa (ảnh minh họa)
Triệu chứng gây hại
Bệnh đạo ôn có thể phát sinh giai đoạn mạ đến lúa chín và gây hại ở các bộ phận khác nhau như trên phiến lá, cổ lá, lóng thân, cổ bông, nhánh gié và trên hạt; do đó thường gọi là đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông.
- Bệnh trên mạ:
Vết bệnh trên mạ lúc đầu hình bầu dục, sau hình thoi hoặc dạng tương tự hình thoi, màu nâu hồng hoặc nâu vàng; khi bệnh nặng từng đám vết bệnh kế tiếp nhau làm cây mạ có thể bị héo khô hoặc chết.
- Bệnh trên lá lúa:
Thông thường vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ có màu xanh hoặc hơi nâu sau chuyển dần sang màu xám nhạt. Kích thước vết bệnh tùy thuộc vào mức độ bị bệnh của lá và khả năng chống chịu của giống, bệnh nặng thì các vết bệnh phát triển nối liền nhau tạo thành mảng lớn hình thù không cố định và làm cho toàn bộ phiến lá bị cháy khô. Sự phát triển tiếp theo của vết bệnh tùy thuộc vào giống nhiễm hay kháng. Trên giống nhiễm thì vết bệnh to, hình thoi, dài, màu nâu nhạt, đôi khi có quầng vàng nhạt xung quanh, phần giữa vết bệnh có màu nâu xám.Trên giống chống chịu, vết bệnh là những chấm nâu rất nhỏ, hình dạng không đặc trưng. Trên giống có phản ứng trung gian, vết bệnh có hình tròn hay hình bầu dục nhỏ, xung quanh vết bệnh có viền nâu.
- Bệnh trên cổ bông, cổ gié và trên hạt:
Các vị trí khác nhau trên bông lúa đều có thể bị bệnh với các vết bệnh màu nâu xám hơi teo thắt lại. Vết bệnh trên cổ bông xuất hiện sớm làm hạt bị lép lửng, bông lúa bị bạc trắng, nếu vết bệnh xuất hiện trễ khi hạt đã vào chắc thì xảy ra hiện tượng gãy cổ bông làm hạt lúa rơi rụng nhiều khi thu hoạch. Triệu chứng bệnh có thể biến đổi thành các kiểu hình vết bệnh như to, nhỏ, tròn, bầu dục, hình thoi,…tùy thuộc vào phản ứng kháng bệnh và nhiễm bệnh của các giống lúa khác nhau. Vết bệnh trên hạt thường không có hình dạng rõ rệt, chúng có màu nâu xám hoặc đen, nấm ký sinh ở vỏ trấu và có thể ở bên trong hạt. Hạt giống nhiễm là nguyên nhân chủ yếu truyền bệnh từ vụ này sang vụ khác.
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh do nấm Pyricularia Grisea (Cook) Saccardo hay Pyricularia Oryzea Cav. Et Bri. thuộc họ Moniliales lớp Nấm bất toàn.
Cành bào tử phân sinh hình trụ, đa bào, không phân nhánh, đầu cành thon và hơi gấp khúc. Nấm thường sinh ra cụm cành từ 3-5 chiếc, bào tử phân sinh hình quả lê hoặc hình nụ sen, thường có 2-3 ngăn ngang, bào tử không màu. Trên một cành có thể hình thành 3-40 bào tử, một vết bệnh điển hình có thể sinh ra trong không khí 2000-6000 bào tử.
Nấm đạo ôn sinh trưởng thích hợp ở nhiệt độ 25-28oC và ẩm độ không khí cao (trên 93%). Phạm vi nhiệt độ nấm sinh sản bào tử 10-30oC. Ở 28oC cường độ sinh bào tử nhanh và mạnh nhưng sức sinh sản giảm dần sau 9 ngày, trong khi đó ở 16oC, 20oC và 24oC sự sinh sản tăng và kéo dài tới 15 ngày sau đó mới giảm. Điều kiện ánh sáng âm u có tác động thúc đẩy quá trình sinh sản bào tử của nấm. Bào tử nẩy mầm tốt nhất ở nhiệt độ 24-28oC và có giọt nước đọng tối thiểu 4 giờ trên phiến lá nằm ngang (giai đoạn mạ, cuối đẻ nhánh, đòng trỗ), trên cổ áo lá (giai đoạn đòng, trỗ), trên cổ bông, gié và hạt (giai đoạn “chia vè”, trỗ, chín sữa, chín sáp). Quá trình xâm nhập của nấm vào cây phụ thuộc rất nhiều vào nhiệt độ, ẩm độ không khí và ánh sáng; ở điều kiện bóng tối, nhiệt độ 24oC và ẩm độ bão hòa là thuận lợi nhất cho sự xâm nhập của nấm vào cây. Ở các tỉnh phía Bắc bào tử có trong không khí quanh năm với những cao điểm từ tháng 4 đến tháng 5 và từ tháng 11 đến tháng 12. Trong quá trình gây bệnh nấm tiết ra một số độc tố có tác dụng kìm hãm sự sinh trưởng của cây lúa. Nấm đạo ôn có khả năng biến dị cao, tạo ra nhiều chủng, nhóm nòi sinh học.
Qui luật phát sinh và gây hại của bệnh
Bệnh đạo ôn phát sinh thành dịch phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: nguồn bệnh (tỷ lệ, cấp bệnh cao hay thấp, vết bệnh mới hay cũ), thời tiết (ấm hay nóng hoặc lạnh, ẩm hay khô, âm u mưa phùn hay nắng, không mưa), giống lúa (nhiễm hay kháng bệnh) và dinh dưỡng (lá lúa xanh đậm hay vàng),...Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hà Minh Trung nguyên Phó viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật đã hình tượng hóa, ví von sự khó lường và khó phòng trừ của bệnh đạo ôn như “con quỷ dạ soa-lúc ẩn, lúc hiện”.
- Ảnh hưởng của thời tiết:
Thời tiết ảnh hưởng đến cường độ, thời gian sinh sản bào tử, mật độ bào tử, sự xâm nhập của nấm vào cây, trong đó thời gian giọt nước đọng lâu trên phiến lá, cổ áo lá và cổ bông có ý nghĩa quyết định. Cho nên, thời tiết nắng, nhiệt độ cao, gió mạnh, ẩm độ không khí và ẩm độ đất thấp sẽ làm giọt nước đọng trên phiến lá, cổ áo lá, cổ bông nhanh bay hơi dẫn đến bào tử nấm không thể nảy mầm và không thể xâm nhập vào cây được. Ẩm độ không khí thấp còn do yếu tố canh tác như cấy 01 dảnh, cấy thưa, bón đạm vừa phải tạo cho ruộng thông thoáng, ẩm độ không khí trong ruộng lúa thấp, từ đó giọt nước đọng trên phiến lá, cổ áo lá, cổ bông cũng nhanh bay hơi hạn chế bào tử nấm nảy mầm, xâm nhập vào cây, hạn chế sự lây lan và phát triển của nấm bệnh. Ngược lại, thời tiết âm u, mưa phùn, sương mù kéo dài, gió nhẹ, mưa rào về chiều tối, cấy nhiều dảnh, cấy dày, bón thừa đạm, ẩm độ không khí bão hòa sẽ rất thuận lợi cho bào tử nấm nảy mầm, xâm nhập vào cây, lây lan và phát triển thành dịch; nhất là thời tiết trên trùng với giai đoạn lúa “chia vè”, trỗ bông, chín sữa và chín sáp có nguy cơ cao gây thiệt hại rất nặng hoặc mất trắng nếu không phòng trừ kịp thời bằng thuốc đặc hiệu (chỉ phun thuốc từ 1 đến 2 ngày). Thời tiết trên đa số xảy ra trong tháng 4, ít xảy ra vào giữa đến cuối tháng 5, Cho nên, thời vụ gieo cấy có ý nghĩa hạn chế bệnh rất lớn.
- Ảnh hưởng của giống lúa:
Đặc tính của một giống lúa có ảnh hưởng đến mức độ nhiễm bệnh trên đồng ruộng. Những giống nhiễm bệnh nặng không những là điểm bệnh phát sinh ban đầu, còn là điều kiện cho bệnh dễ dàng lây lan hàng loạt, hình thành dịch bệnh trên đồng ruộng. Với giống nhiễm bệnh nặng thì trong điều kiện thời tiết, dinh dưỡng không thuận lợi vẫn bị xâm nhiễm và là nguồn bệnh quan trọng để lây lan và phát sinh thành dịch khi thời tiết, dinh dưỡng thuận lợi. Những giống nhiễm nặng ở Hà Nội hiện nay như: J02, BC15, TBR225, nếp,…ngay cả trong điều kiện cấy ít dảnh, cấy thưa vẫn bị nhiễm bệnh với tỷ lệ khá cao. Chờ khi thời tiết thuận lợi sẽ lây lan và phát sinh thành dịch và có nguy cơ cao gây thiệt hại rất nặng hoặc mất trắng nếu không phòng trừ kịp thời bằng thuốc đặc hiệu. Cho nên, quản lý bệnh đạo ôn tốt nhất là sử dụng giống chống chịu, hạn chế gieo cấy giống nhiễm nặng, hạn chế gieo cấy 01 giống nhiễm nặng với diện tích quá lớn.
- Ảnh hưởng của dinh dưỡng (đất đai, phân bón):
Bệnh dễ phát triển và gây hại trên những chân ruộng trũng, giàu mùn, khó thoát nước, đất nhẹ giữ nước kém, đất khô hạn. Phân đạm giữ vai trò quan trọng đối với sự phát sinh và gây hại của bệnh, ngay cả trong những năm điều kiện thời tiết không thuận lợi nhưng bón đạm không hợp lý để lúa xanh đậm, rậm rạp sẽ làm bệnh phát sinh và gây hại nặng. Bón kali trên nền đạm cao sẽ làm gia tăng bệnh so với trên nền đạm thấp. Phân silic có tác dụng làm giảm mức độ nhiễm bệnh của cây lúa. Cho nên, bón giảm đạm, nhất là chân ruộng trũng, giàu mùn, ruộng giàu chất dinh dưỡng, giảm ka li trên nền đạm cao có ý nghĩa quan trọng hạn chế bệnh.
Biện pháp phòng trừ
- Biện pháp canh tác:
Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư, làm sạch cỏ bờ, làm đất sớm, cày vùi gốc rạ để hạn chế nguồn bệnh trên đồng ruộng.
Sử dụng giống chống chịu, cơ cấu hợp lý các loại giống, một địa phương không được gieo cấy một loại giống với diện tích quá lớn. Tuyệt đối không lấy giống từ ruộng đã từng bị đạo ôn ở vụ trước. Bố trí thời vụ hợp lý để lúa trỗ vào giữa tháng 5. Bón phân cân đối, ứng dụng Hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI) như cấy thưa, cấy 1 dảnh, bón giảm đạm,... để có cây lúa khỏe, tăng tính chống chịu với bệnh.
- Trên mạ: xử lý hạt giống với các giống nhiễm nặng. Gieo thưa, che phủ nilon để chống rét, không bón đạm cho mạ để có cây mạ khỏe tăng khả năng chống chịu với bệnh. Kiểm tra ruộng mạ thường xuyên, phát hiện và phòng trừ kịp thời.
- Trên lúa:
Đối với đạo ôn lá cần thăm đồng thường xuyên, theo dõi diễn biến bệnh đạo ôn trên đồng ruộng, chú ý những giống nhiễm nặng (J02, BC15, TBR225,nếp,...), diện tích bón thừa đạm, lá xanh đậm, nhiều lá nằm ngang, rậm rạp, ruộng đã từng bị bệnh ở vụ trước, năm trước,… Phun thuốc khi lúa bị nhiễm bệnh với tỷ lệ >5% số lá, những ruộng bị nhiễm nặng cần vơ lá bệnh trước khi phun thuốc, phun xong phải kiểm tra lại nếu còn vết bệnh mới cần phải phun lần 2, lần 3. Sử dụng thuốc Tricyclazole (Beam 75 WP, Bamy 75WP, Bemsuper 200WP, 500SC, 750WG, 750WP,…), Isoprothiolane (Vifusi 40 EC, Fuji-One 40 EC, 40WP, Fuel- One 40EC, Funhat 40EC, 40WP,…), Isoprothiolane+Tricyclazole (Bump 600WP, 650WP, 800WP, Kabum 650WP, 800WP,…),…
Đối với bệnh đạo ôn cổ bông: cần thăm đồng thường xuyên, điều tra, theo dõi diễn biến của bệnh đạo ôn trên đồng ruộng, đặc biệt chú ý lúa ở giai đoạn đòng già, “chia vè”, chuẩn bị trỗ bông, chín sữa, những giống nhiễm nặng (JO2, BC15, TBR225, nếp,…), những diện tích bị bệnh đạo ôn lá gây hại. Phun thuốc khi lúa bị nhiễm bệnh với tỷ lệ ≥ 1% số lá đòng hoặc cổ áo lá áp đòng hoặc cổ bông bị nhiễm bệnh. Phun vào sáng sớm hoặc chiều mát, tránh thời điểm 8-10 giờ sáng khi lúa mở vỏ trấu thụ phấn. Trường hợp bệnh nặng, điều kiện thời tiết mưa phùn, sương mù, mưa về chiều tối, ẩm độ cao, lúa xanh đậm thuận lợi cho nấm bệnh phát triển cần phun thuốc nhắc lại 2 đến 3 lần, mỗi lần cách nhau 5-7 ngày. Tuyệt đối không phối trộn thêm những loại phân bón lá có tỷ lệ đạm cao cùng với thuốc. Sử dụng thuốc Tricyclazole (Beam 75 WP, Bamy 75WP, Bemsuper 200WP, 500SC, 750WG, 750WP,…), Tricyclazole+Isoprothiolane (Bump 600WP, 650WP, 800WP, Kabum 650WP, 800WP,…), Tricyclazole+Propiconazole (Filia 525 SE,…), Isoprothiolane (Vifusi 40 EC, Fuji-One 40 EC, 40WP, Fuel- One 40EC, Funhat 40EC, 40WP,…),…
Viết bình luận