Chi cục Thuế Hà Đông phổ biến điểm mới trong thực hiện chính sách Thuế tháng 4 năm 2021
Chi cục Thuế quận Hà Đông vừa có văn bản phổ biến một số điểm mới trong thực hiện chính sách Thuế tháng 4/2021. Cổng thông tin điện tử quận Hà Đông trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
A. Về Thuế giá trị gia tăng:
1. Về hoàn thuế đối với dự án đầu tư:
Tổng cục Thuế có công văn số 944/TCT-CS ngày 01/04/2021 hướng dẫn Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hoàn thuế GTGT. Theo đó, đối với cơ sở kinh doanh đã đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư mới, đang trong giai đoạn đầu tư có số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư mà chưa được khấu trừ và có số thuế còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT đầu vào của giai đoạn đầu tư (trừ các trường hợp thuộc đối tượng không được hoàn thuế theo quy định).
Khi kết thúc giai đoạn đầu tư để chuyển sang giai đoạn sản xuất kinh doanh mà còn số thuế GTGT đầu vào phát sinh trong giai đoạn đầu tư chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên, thì trên tờ khai thuế GTGT dành cho dự án đầu tư (mẫu 02/GTGT) tại kỳ tính thuế kết thúc giai đoạn đầu tư phải thực hiện kê khai vào chỉ tiêu “Thuế GTGT đầu vào còn lại của dự án đầu tư đề nghị hoàn". Trường hợp trên tờ khai thuế GTGT dành cho dự án đầu tư (mẫu 02/GTGT) tại kỳ tính thuế kết thúc giai đoạn đầu tư chưa kê khai chỉ tiêu “Thuế GTGT đầu vào còn lại của dự án đầu tư đề nghị hoàn" thì thực hiện kê khai bổ sung theo quy định tại điểm b Khoản 4 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Cơ sở kinh doanh lập hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư khi đáp ứng đủ điều kiện hoàn thuế theo quy định.
B. Về Thuế thu nhập doanh nghiệp:
1. Về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch covid-19:
Ngày 31/03/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2021/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch covid-19. Theo đó:
- Doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ.
- Đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ bao gồm: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; cơ sở y tế; đơn vị lực lượng vũ trang; đơn vị, tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ làm cơ sở cách ly tập trung; cơ sở giáo dục; cơ quan báo chí; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức đảng, đoàn thanh niên, công đoàn các cấp ở trung ương và địa phương; cơ quan, đơn vị chính quyền địa phương các cấp có chức năng huy động tài trợ; Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 các cấp; Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia; quỹ từ thiện, nhân đạo và tổ chức có chức năng huy động tài trợ được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.
Các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ có trách nhiệm sử dụng, phân phối đúng mục đích của khoản ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 đã tiếp nhận.
- Hồ sơ xác định khoản chi ủng hộ, tài trợ gồm có: Biên bản xác nhận ủng hộ, tài trợ theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định này hoặc văn bản, tài liệu (hình thức giấy hoặc điện tử) xác nhận khoản chi ủng hộ, tài trợ có chữ ký, đóng dấu của người đại diện doanh nghiệp là bên ủng hộ, tài trợ và đại diện của đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ; kèm theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật của khoản ủng hộ, tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 và năm 2021.
Nội dung chi tiết Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/03/2021 của Chính Phủ được đăng tải trên website http://hanoi.gdt.gov.vn
2. Về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị quyết số 116/2020/QH14:
Tổng cục Thuế có công văn số 967/TCT- CS ngày 05/04/2021 hướng dẫn Cục Thuế tỉnh Bình Dương về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị quyết số 116/2020/QH14. Theo đó, căn cứ xác định đối tượng áp dụng được giảm thuế theo Nghị quyết số 116/2020/QH14 và nghị định số 114/2020/NĐ-CP là doanh thu của doanh nghiệp bao gồm doanh thu của chi nhánh thể hiện trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020.
C. Về Thuế thu nhập cá nhân:
1. Về chính sách thuế TNCN đối với khoản đóng góp, thu nhập nhận được từ Quỹ hưu trí tự nguyện:
Tổng cục Thuế có công văn số 811/TCT-DNNCN ngày 21/03/2021 hướng dẫn Cục Thuế TP Hà Nội về chính sách thuế TNCN đối với khoản đóng góp, thu nhập nhận được từ Quỹ hưu trí tự nguyện. Theo đó, khoản thu nhập tiền lương hưu từ Quỹ hưu trí tự nguyện mà cá nhân nhận được là khoản thu nhập được miễn thuế thu nhập cá nhân, không phụ thuộc vào các hình thức nhận chi trả. Quy định mức trần khoản đóng vào quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế TNCN áp dụng đối với mọi đối tượng tham gia các sản phẩm hưu trí tự nguyện. Đối với thu nhập từ nhận thừa kế là chứng chỉ quỹ, cá nhân nhận thu nhập có trách nhiệm khai, nộp thuế TNCN đối với thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán theo quy định.
Trường hợp người lao động đã khai, nộp thuế TNCN đối với tiền đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện do người sử dụng lao động trả nhưng sau đó không nhận lại phần đóng góp từ người sử dụng lao động và kết quả đầu tư từ phần đóng góp này do không đáp ứng các điều kiện tại văn bản thỏa thuận ký giữa người sử dụng lao động và người lao động về việc tham gia chương trình hưu trí, người lao động thực hiện khai hồ sơ quyết toán thuế bổ sung để xác định lại số thuế TNCN phải nộp cho các kỳ thuế đã khai theo nguyên tắc: người nộp thuế đã khai quyết toán thuế TNCN lần đầu theo mẫu ban hành kèm theo thông tư nào thì khai quyết toán thuế thu nhập bổ sung theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư đó.
D. Về Hóa đơn
1. Về việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem điện tử rượu và tem điện tử thuốc lá:
Ngày 30/03/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 23/2021/TT-BTC hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem điện tử rượu và tem điện tử thuốc lá. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2021. Từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành đến ngày 30 tháng 6 năm 2022, các văn bản của Bộ Tài chính ban hành sau đây vẫn có hiệu lực thi hành:
+ Thông tư số 15/2020/TT-BTC ngày 23/3/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem đối với rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu;
+ Thông tư 124/2007/TT-BTC ngày 26/10/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn về in, phát hành, sử dụng, quản lý tem thuốc lá điếu nhập khẩu, tem xì gà nhập khẩu;
+ Quyết định số 2979/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi Quyết định số 211/QĐ-BTC ngày 27/01/2010 của Bộ Tài chính về việc ban hành mẫu tem và quy định in, phát hành, quản lý, sử dụng tem thuốc lá sản xuất trong nước in mã vạch đa chiều;
+ Quyết định số 211/QĐ-BTC ngày 27/01/2010 của Bộ Tài chính về việc ban hành mẫu tem và quy định in, phát hành, quản lý, sử dụng tem thuốc lá sản xuất trong nước in mã vạch đa chiều;
+ Quyết định số 2000/QĐ-BTC ngày 19/8/2009 của Bộ Tài chính về việc chuyển giao nhiệm vụ in, phát hành một số loại ấn chỉ thuế cho Tổng cục Hải quan;
+ Quyết định số 2807/QĐ-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2009 của Bộ Tài chính về việc quy định in, phát hành, quản lý, sử dụng các loại chứng từ thu thuế, thu khác liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu;
+ Quyết định số 918/QĐ-BTC ngày 22/4/2011 của Bộ Tài chính về việc thay đổi mẫu tem thuốc lá điếu nhập khẩu;
+ Quyết định số 1010/QĐ-BTC ngày 15/5/2014 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi mẫu tem xì gà và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
- Số tem thuốc lá, tem rượu đã được phát hành, cấp, bán theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại khoản 2 Điều này còn tồn tại cơ quan thuế, cơ quan hải quan và tại các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thuốc lá, rượu phải hoàn thành việc hủy tem trước ngày 01/8/2022 theo quy định tại Thông tư số 15/2020/TT-BTC ngày 23/3/2020 của Bộ Tài chính; Thông tư 124/2007/TT-BTC ngày 26/10/2007 của Bộ Tài chính; Quyết định số 211/QĐ-BTC ngày 27/01/2010 của Bộ Tài chính; Quyết định số 2979/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi Quyết định số 211/QĐ-BTC ngày 27/01/2010 của Bộ Tài chính và các văn bản có liên quan.
- Từ ngày 01 tháng 7 năm 2022 thực hiện áp dụng tem điện tử theo hướng dẫn tại Thông tư này.
Nội dung chi tiết Thông tư số 23/2021/TT-BTC ngày 30/03/2021 của Bộ Tài chính được đăng tải trên website http://hanoi.gdt.gov.vn
E. Về Quản lý thuế:
1. Về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế:
Ngày 22/03/2021, Tổng cục Thuế ban hành công văn số 761/TCT-PC hướng dẫn Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Theo đó, trường hợp từ ngày 05/12/2020 (thời điểm Nghị định số 125/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành) người nộp thuế hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có hạn nộp trước ngày 05/12/2020 mà theo Nghị định số 129/2013/NĐ-CP đã xác định được thời điểm thực hiện hành vi vi phạm hành chính thì áp dụng văn bản tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 129/2013/NĐ-CP để xử lý. Trường hợp mức xử phạt tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP nhẹ hơn mức xử phạt đối với cùng một hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 129/2013/NĐ-CP thì áp dụng quy định tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP để xử lý theo quy định.
2. Về việc quản lý thuế đối với giao dịch “Lan đột biến":
Tổng cục Thuế có công văn số 833/TCT-DNNCN ngày 25/03/2021 hướng dẫn Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc quản lý thuế đối với giao dịch “Lan đột biến". Theo đó, trường hợp phát sinh giao dịch mua bán của tổ chức:
- Về chính sách Thuế GTGT:
+ Trường hợp "Lan đột biến" do doanh nghiệp, tổ chức tự trồng và bán ra thì thuộc đối tượng không chịu Thuế GTGT;
+ Trường hợp "Lan đột biến" do doanh nghiệp, hợp tác xã nộp Thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại thì không phải kê khai, tính nộp Thuế GTGT;
+ Trường hợp "Lan đột biến" do doanh nghiệp, hợp tác xã nộp Thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán cho hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác ở khâu kinh doanh thương mại thì phải kê khai, tính nộp Thuế GTGT theo mức thuế suất 5%.
+ Trường hợp "Lan đột biến" do doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp Thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT bán ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp Thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu.
- Về chính sách Thuế TNDN:
Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp có thu nhập từ việc bán "Lan đột biến" thì thuộc đối tượng phải nộp Thuế TNDN theo quy định. Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp có thu nhập từ việc bán "Lan đột biến" đáp ứng quy định tại khoản 1, Điều 4 Luật Thuế TNDN 14/2008/QH12 ngày 03/06/2008 (được sửa đổi tại khoản 2, Điều 1 Luật 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật vê thuế) thì được miễn Thuế TNDN theo quy định.
Trường hợp phát sinh giao dịch mua bán của hộ gia đình, cá nhân:
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có phát sinh giao dịch mua bán "Lan đột biến" thì thuộc diện điều chỉnh của Thuế GTGT và Thuế TNCN theo quy định về hoạt động kinh doanh với thuế suất Thuế GTGT 1% và Thuế TNCN 0,5%.
- Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp (trồng trọt) chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác thì sản phẩm nông nghiệp trong trường hợp này không chịu Thuế GTGT theo quy định tại khoản 1, Điều 1 Luật 106/2016/QH13 và được miễn Thuế TNCN theo quy định tại Điều 4 Luật Thuế TNCN 04/2007/QH12.
F. Về Lệ phí trước bạ:
1. Chính sách thu lệ phí trước bạ:
Tổng cục Thuế có công văn số 935/TCT-CS ngày 01/04/2021 hướng dẫn Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chính sách thu lệ phí trước bạ. Theo đó, quy định pháp luật về lệ phí trước bạ và quản lý thuế hiện hành không có quy định khi kê khai nộp lệ phí trước bạ người nộp thuế phải xuất trình Tờ khai nguồn gốc xe ô tô, xe máy nhập khẩu. Căn cứ Công văn số 14650/BTC-TCHQ ngày 30/11/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc khai và chia sẻ dữ liệu nguồn gốc phương tiện nhập khẩu (bản photocopy gửi kèm theo). Theo đó, cơ quan Hải quan không thực hiện thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc đối với các lô hàng phương tiện nhập khẩu có tờ khai Hải quan đăng ký từ ngày 01/12/2020.
Do đó, khi người nộp thuế kê khai, nộp lệ phí trước bạ đối với phương tiện nhập khẩu thì cơ quan thuế không yêu cầu người nộp thuế xuất trình Tờ khai nguồn gốc xe ô tô, xe gắn máy nhập khẩu theo quy định. Trường hợp cần tra cứu thì truy cập hệ thống điện tử của cơ quan hải quan để kết nối dữ liệu phương tiện phương tiện nhập khẩu.
G. Vấn đề khác có liên quan:
1. Hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế:
Ngày 18/03/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 19/2021/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 03 tháng 5 năm 2021.
Thông tư số 110/2015/TT-BTC ngày 28/7/2015 và Thông tư số 66/2019/TT-BTC ngày 20/9/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
Các quy định về quản lý thuế, về giao dịch điện tử không hướng dẫn tại Thông tư này thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế, Luật giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trường hợp các văn bản được đề cập tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung và thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản được sửa đổi, bổ sung và thay thế.
Nội dung chi tiết Thông tư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/03/2021 của Bộ Tài chính được đăng tải trên website http://hanoi.gdt.gov.vn
2. Hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp:
Ngày 16/03/2021, Bộ Kế hoạch và đầu tư ban hành Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2021. Thông tư này thay thế Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT ngày 01 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp và Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT ngày 08 tháng 01 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT ngày 01 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp. Nội dung chi tiết Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16/03/2021 của Bộ Tài chính được đăng tải trên website http://hanoi.gdt.gov.vn
3. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư:
Ngày 29/03/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Nghị định này có hiệu lực từ ngày ngày ký. Bãi bỏ Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
4. Quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao:
Ngày 16/03/2021, Thủ tướng ban hành Quyết định số 10/2021/QĐ-TTg quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 30 tháng 4 năm 2021 và thay thế Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao. Theo đó, Doanh nghiệp công nghệ cao phải đáp ứng các tiêu chí quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 18 của Luật Công nghệ cao số 21/2008/QH12 được sửa đổi, bổ sung tại Điều 75 của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và khoản 3 Điều 76 của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, đồng thời đáp ứng các tiêu chí sau:
(1) Doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hằng năm của doanh nghiệp.
(2) Tỷ lệ tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp (bao gồm khấu hao đầu tư cơ sở hạ tầng, tài sản cố định, chi thường xuyên hàng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển; chi hoạt động đào tạo, hỗ trợ đào tạo cho lao động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở đào tạo tại Việt Nam; phí bản quyền, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phục vụ hoạt động nghiên cứu và phát triển; phí đăng ký công nhận hoặc bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích tại Việt Nam) trên giá trị của tổng doanh thu thuần trừ đi giá trị đầu vào (bao gồm giá trị nguyên vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất nhập khẩu và mua nội địa) hằng năm:
a) Đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 0,5%;
b) Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 1%;
c) Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b nêu trên phải đạt ít nhất 2%.
(3) Tỷ lệ lao động trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên của doanh nghiệp (là số lao động đã ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 năm trở lên hoặc hợp đồng không xác định thời hạn, trong đó lao động có trình độ cao đẳng không vượt quá 30%) trên tổng số lao động:
a) Đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 1%;
b) Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này, có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 2,5%;
c) Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b nêu trên phải đạt ít nhất 5%.
Viết bình luận