Chi cục Thuế Hà Đông phổ biến một số điểm mới trong thực hiện chính sách Thuế tháng 6/2021

Chi cục Thuế Hà Đông phổ biến một số điểm mới trong thực hiện chính sách Thuế tháng 6/2021

Chi cục Thuế quận Hà Đông vừa có văn bản phổ biến một số điểm mới trong thực hiện chính sách Thuế tháng 6/2021. Cổng thông tin điện tử quận Hà Đông trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. 

csthue moi t621 anh 2.jpg

A. Về Thuế giá trị gia tăng 

1. Chính sách thuế GTGT đối với thiết bị, dụng cụ y tế: 

Ngày 11/06/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 43/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27 tháng 2 năm 2015 của Bộ Tài chính). 

Theo đó, sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính như sau: “11. Thiết bị, dụng cụ y tế gồm máy móc và dụng cụ y tế: các loại máy soi, chiếu, chụp dùng để khám, chữa bệnh; các thiết bị, dụng cụ chuyên dùng để mổ, điều trị vết thương, ô tô cứu thương; dụng cụ đo huyết áp, tim, mạch, dụng cụ truyền máu; bơm kim tiêm; dụng cụ phòng tránh thai; các dụng cụ, thiết bị y tế có Giấy phép nhập khẩu hoặc Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành hoặc Phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn theo quy định pháp luật về y tế hoặc theo Danh mục trang thiết bị y tế thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 14/2018/TT-BYT ngày 15/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế và văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có). Bông, băng, gạc y tế và băng vệ sinh y tế; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh bao gồm thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, trừ thực phẩm chức năng; vắc-xin; sinh phẩm y tế, nước cất để pha chế thuốc tiêm, dịch truyền; mũ, quần áo, khẩu trang, săng mổ, bao tay, bao chi dưới, bao giày, khăn, găng tay chuyên dùng cho y tế, túi đặt ngực và chất làm đầy da (không bao gồm mỹ phẩm); vật tư hóa chất xét nghiệm, diệt khuẩn dùng trong y tế".

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2021.

2. Hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu: 

Tổng cục Thuế có công văn số 1122/TCT-CS ngày 15/04/2021 hướng dẫn Cục Thuế TP Hà Nội về  việc hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Theo đó, trường hợp Công ty đề nghị hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, kỳ hoàn thuế từ quý 2/2018 đến quý 4/2018, trên tờ khai thuế GTGT quý 4/2018 không phát sinh doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu mà các kỳ kê khai thuế GTGT quý 2 và quý 3/2018 có phát sinh doanh thu hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0% thì Công ty được hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên lũy kế đến hết quý 3/2018. 

3. Hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư khác tỉnh, thành phố: 

Tổng cục Thuế có công văn số 1713/TCT-CS ngày 26/05/2021 hướng dẫn Cục Thuế tỉnh Yên Bái về  việc hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư khác tỉnh, thành phố. 

Theo đó, trường hợp cơ sở kinh doanh có dự án đầu tư tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính, đang trong giai đoạn đầu tư chưa đi vào hoạt động, chưa đăng ký kinh doanh, chưa đăng ký thuế thì lập hồ sơ khai thuế riêng cho dự án đầu tư. Nếu doanh nghiệp đề nghị hoàn thuế trên tờ khai thuế 02/GTGT kỳ tính thuế quý 4/2020 và gửi Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu NSNN theo mẫu 01/ĐNHT ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính thì Cục Thuế tỉnh Yên Bái kiểm tra hồ sơ của doanh nghiệp, căn cứ quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về thuế và tình hình thực tế tại doanh nghiệp để xử lý hoàn thuế theo đúng quy định. 

Từ kỳ tính thuế tháng 1/2021 hoặc quý 1/2021 trở đi, đề nghị Cục Thuế tỉnh Yên Bái hướng dẫn người nộp thuế thực hiện kê khai, nộp thuế và hoàn thuế theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

B. Về Thuế thu nhập doanh nghiệp 

1. Về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị quyết số 116/2020/QH14: 

Tổng cục Thuế có công văn số 1883/TCT- CS ngày 01/06/2021 hướng dẫn Cục Thuế TP Hà Nội về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị quyết số 116/2020/QH14. Theo đó, tổng doanh thu năm 2020 làm căn cứ xác định đối tượng được giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 là doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp, phản ánh tại chỉ tiêu [01] Phụ lục kết quả hoạt động, sản xuất kinh doanh Mẫu số 03-1A/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính. 

C. Về Hóa đơn 

1. Về báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn: 

Tổng cục Thuế có công văn số 1843/TCT-CS ngày 31/05/2021 hướng dẫn Cục Thuế TP Hà Nội về báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn. Theo đó, thời điểm phát sinh nghĩa vụ nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn căn cứ vào thời điểm Công ty đăng ký sử dụng hóa đơn trên thông báo phát hành hóa đơn của Công ty gửi đến cơ quan thuế và được chấp thuận. 

D. Về Quản lý thuế 

1. Về việc thực hiện Nghị định số 52/2021/NĐ-CP: 

Tổng cục Thuế có công văn số 1854/TCT-QLN ngày 31/05/2021 hướng dẫn Cục Thuế TP Hà Nội về việc thực hiện Nghị định số 52/2021/NĐ-CP. Theo đó: 

- Về việc xác định người nộp thuế được gia hạn theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP: người nộp thuế chưa nộp đủ các khoản tiền thuê đất đã được gia hạn nộp thuế theo quy định tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP thì không đủ điều kiện gia hạn theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ. 

- Về việc chưa thực hiện cưỡng chế: Cơ quan thuế chưa thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp d, đ, e, g quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý thuế (ngừng sử dụng hóa đơn; kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên; thu tiền, tài sản do đối tượng khác nắm giữ; thu hồi giấy phép) đối với số tiền thuế, tiên thuê đất được gia hạn theo quy định của Nghị định số 52/2021/NĐ-CP đến hết ngày 31/12/2021. 

2. Chính sách tiền thuê đất: 

- Tổng cục Thuế có công văn số 1528/TCT-CS ngày 17/05/2021 hướng dẫn Cục Thuế TP Hà Nội về chính sách tiền thuê đất. Theo đó, trường hợp Công ty được Nhà nước cho thuê đất và thuộc đối tượng miễn tiền thuê đất theo quy định tại điểm I khoản 1 Điều 19 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì Công ty được hưởng ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất sau khi làm các thủ tục để được miễn, giảm tiền thuê đất; trường hợp chậm làm thủ tục miễn, giảm tiền thuê đất thì khoảng thời gian chậm làm thủ tục không được miễn, giảm tiền thuê đất. Thời điểm tính miễn tiền thuê đất thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư số 333/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính. 

- Tổng cục Thuế có công văn số 1610/TCT-CS ngày 19/05/2021 hướng dẫn Cục Thuế TP Hà Nội về chính sách tiền thuê đất. Theo đó, trường hợp Công ty được Nhà nước cho thuê đất để xây dựng trụ sở làm việc, sản xuất kinh doanh. Sau đó Công ty được UBND cho phép Công ty chuyển mục đích sử dụng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Thương mại văn phòng chung cư cao cấp theo hình thức hỗn hợp giao đất và thuê đất (thời hạn nhỏ hơn 50 năm) thì không thuộc đối tượng được xem xét, miễn giảm tiền thuê đất theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định số 123/2017/NĐ0CP của Chính phủ. 

3. Về ghi nợ tiền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân:

Tổng cục Thuế có công văn số 1646/TCT-QLN ngày 20/05/2021 hướng dẫn Cục Thuế TP Hà Nội về ghi nợ tiền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân. Theo đó, việc theo dõi, quản lý cac trường hợp được ghi nợ tiền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân được thực hiện như sau: 

- Đối với hộ gia đình, cá nhân đã được ghi nợ tiền sử dụng đất trước ngày 01/3/2016 đến hết ngày 28/02/2021 chưa thanh toán hết nợ: từ ngày 01/3/2021 trở đi, khi hộ gia đình, cá nhân làm thủ tục thanh toán nợ, cơ quan thuế phải thực hiện ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất theo giá tại thời điểm trả nợ, thời hạn nộp tiền sử dụng đất thực hiện theo thông báo của cơ quan thuế, quá thời hạn nộp theo thông báo của cơ quan thuế mà chưa nộp thì mới xác định đây là khoản tiền nợ thuế, đưa vào theo dõi nợ và tính tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế. 

- Đối với hộ gia đình, cá nhân đã được ghi nợ tiền sử dụng đất từ ngày 01/03/2016 đến trước ngày 10/12/2019: Trường hợp này quá thời hạn 05 năm kể từ ngày ghi nợ mà hộ gia đình, cá nhân chưa thanh toán hết nợ thì khi hộ gia đình, cá nhân làm thủ tục thanh toán nợ, cơ quan thuế phải thực hiện ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất theo giá đất tại thời điểm trả nợ, thời hạn nộp tiền sử dụng đất thực hiện theo thông báo của cơ quan thuế, quá thời hạn nộp theo thông báo của cơ quan thuế mà chưa nộp thì mới xác định đây là khoản tiền nợ thuế, đưa vào theo dõi nợ và tính tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế. 

- Đối với hộ gia đình, cá nhân đã được ghi nợ tiền sử dụng đất kể từ ngày 10/12/2019 (ngày Nghị định số 79/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành) trở đi: Trường hợp này, hộ gia đình, cá nhân được trả nợ dần trong thời gian 05 năm; sau 05 năm chưa trả hết nợ thì hộ gia đình, cá nhân phải nộp đủ số tiền sử dụng đất còn nợ và phải nộp tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Như vậy, đối với trường hợp này, từ thời điểm hêt hạn 05 năm được ghi nợ, số tiền sử dụng đất được ghi nợ của hộ gia đình, cá nhân chưa trả hết là khoản tiền nợ thuế đưa vào theo dõi nợ và tính tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế. 

E. Vấn đề khác có liên quan 

1. Quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế: 

Ngày 17/05/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 31/2021/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 07 năm 2021. Thông tư này thay thế Thông tư số 204/2015/TT-BTC ngày 21 tháng 12 năm 2015 của Bộ Tài chính quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. 

2. Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong hoạt động kiểm dịch và bảo vệ thực vật thuộc lĩnh vực nông nghiệp:

Ngày 17/05/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 33/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong hoạt động kiểm dịch và bảo vệ thực vật thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 7 năm 2021 và thay thế Thông tư số 231/2016/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, và sử dụng phí trong lĩnh vực bảo vệ thực vật. 

Các nội dung khác liên quan đến việc kê khai, thu, nộp, quản lý, công khai chế độ thu phí không hướng dẫn tại Thông tư này được thực hiện theo quy định tại Luật Phí và lệ phí, Nghị định số 120/2016/NĐ-CP, Luật Quản lý thuế, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và Thông tư số 303/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước. 

3. Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: 

Ngày 24/05/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10 tháng 7 năm 2021. Cụ thể:

- Đối với hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà bị phát hiện hoặc xem xét ra quyết định xử phạt khi Nghị định này đã có hiệu lực thì áp dụng quy định của Nghị định này nếu Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn. 

- Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. 

Nguồn: 

Chi cục thuế quận Hà Đông

Viết bình luận

Xem thêm tin tức