Đề án 02 - Bước đệm đưa thương mại, dịch vụ quận Hà Đông phát triển bền vững
Những năm gần đây, tốc độ đô thị hoá trên địa bàn quận Hà Đông diễn ra nhanh, mạnh đã tác động không nhỏ đến đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là ngành thương mại, du lịch, dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế. Nhận thức rõ những tác động này, ngay sau Đại hội Đảng bộ quận lần thứ XX, Quận ủy Hà Đông tiếp tục ban hành và triển khai thực hiện Đề án số 02-ĐA/QU ngày 04/4/2016 về phát triển thương mại, dịch vụ quận Hà Đông giai đoạn 2016-2020.
TTTM Aeon tại phường Dương Nội góp phần thúc đẩy thương mại quận phát triển.
Ngay sau khi Đề án được ban hành, quận Hà Đông đã kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Đề án; xây dựng và triển khai các kế hoạch tổ chức thực hiện. Ban chỉ đạo Đề án và UBND quận đã ban hành 28 thông báo kết luận liên quan đến nội dung Đề án số 02-ĐA/QU; UBND quận và các phòng chuyên môn đã ban hành 24 văn bản về giải tỏa chợ cóc chợ tạm; tham mưu ban hành và ban hành 26 văn bản về chỉ đạo công tác quản lý và chuyển đổi mô hình quản lý chợ; 25 văn bản chỉ đạo và hướng dẫn và triển khai sản xuất nông nghiệp, các kế hoạch sản xuất đối với từng mô hình sản xuất nông nghiệp; 06 văn bản chỉ đạo về phát triển tuyến phố văn minh đô thị....
Sau 5 năm thực hiện Đề án 02, đến nay, mạng lưới kinh doanh trên địa bàn quận Hà Đông được phân bố đồng đều, một số ngành, nhóm hàng đã được quy hoạch có hệ thống, đã áp dụng các phương thức kinh doanh theo hướng văn minh, gắn liền với các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và giới thiệu sản phẩm, hệ thống kinh doanh chợ đã đi vào hoạt động ổn định, nâng cao dần chất lượng phục vụ nhân dân đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh.
Sản phẩm lụa truyền thống Vạn Phúc luôn được khách hành trong và ngoài nước
yêu thích, tìm mua. Ảnh: Trương Thế Cầu
Với sự chỉ đạo sát sao, bằng nhiều giải pháp đồng bộ sau 5 năm, hạ tầng thương mại, dịch vụ quận Hà Đông được đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu của người dân. So với giai đoạn 2010-2015, quận đã đề xuất và được Thành phố chấp thuận bổ sung quy hoạch 02 chợ (chợ La Khê, chợ Mậu Lương), đưa vào hoạt động 01 TTTM hạng 1 (AEON), thực hiện xong việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ La Khê; hàng loạt các cửa hàng tiện ích của các doanh nghiệp lớn được mở ra, như: Vinmart+, T-Mart, Coo-op Food,...; tiếp tục duy trì các tuyến phố văn minh đô thị đã được Thành phố công nhận và xây dựng, mở rộng thêm 02 tuyến phố văn minh đô thị (phố Nguyễn Văn Lộc, phố Văn Khê). Đồng thời, quận đẩy mạnh xã hội hoá để đầu tư xây dựng hạ tầng thể dục thể thao, như: sân bóng đá, sân tennis, bể bơi, nhà tập đa năng,... tại các khu đất nông nghiệp xen kẹt, không sản xuất được. Đến nay trên địa bàn quận đã có 19 bể bơi, 51 sân bóng mini, 16 khu vui chơi ngoài trời, 40 nhà tập đa năng... Các dịch vụ tài chính ngân hàng, viễn thông, giao thông tiếp tục phát triển mạnh, mạng lưới chi nhánh/văn phòng đại diện của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phủ khắp địa bàn quận, đáp ứng tốt nhu cầu của tổ chức, cá nhân.
Về công nghiệp, quận tiếp tục duy trì quản lý, phát triển tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh tại 02 cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn; đề xuất và được UBND Thành phố chấp thuận đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tại 02 cụm công nghiệp để giảm thiểu tối đa ô nhiễm nước thải công nghiệp. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh thông qua các chương trình của Thành phố, như: Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp...
Về tiểu thủ công nghiệp, làng nghề: Tiếp tục hỗ trợ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở thuộc các làng nghề truyền thống của quận (lụa Vạn Phúc, rèn Đa Sỹ, mộc Thượng Mạo) thông qua chương trình khuyến công của quận. Mỗi năm, ngân sách quận hỗ trợ mức kinh phí khoảng 500 triệu đồng cho các hoạt động đào tạo nghề ngắn hạn, nâng cao tay nghề cho lao động tại các làng nghề, hội ngành nghề tiểu thủ công; đầu tư đổi mới, ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất; tư vấn quản lý sản xuất, maketing, bán hàng; xây dựng thương hiệu làng nghề... Nhờ đó hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề truyền thống vẫn được duy trì và phát triển tốt.
Mô hình trồng hoa ly cho thu nhập cao tại phường Yên Nghĩa.
Về nông nghiệp tiếp tục được quận quan tâm đầu tư phát triển theo hướng nông nghiệp chất lượng cao, giảm dần diện tích trồng lúa kém hiệu qủa sang trồng rau, hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao. Quận đã tổ chức 16 lớp phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm lĩnh vực công thương, nông lâm thủy sản; tổ chức 28 lớp tuyên truyền, phổ biến nội dung Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2014 và hướng dẫn các hộ dân trực tiếp sản xuất nông sản; Tổ chức 07 lớp đào tạo nghề nông nghiệp với 245 lao động. Tổ chức 69 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất rau, quả an toàn.... Hỗ trợ kinh phí triển khai nhiều mô hình khuyến nông mang lại hiệu quả kinh tế cao để nhân dân ứng dụng đại trà vào sản xuất, như: mô hình trồng hoa tại phường Yên Nghĩa, trồng hoa đào, dưa lưới ở phường Kiến Hưng...
Có thể thấy, Đề án 02 về phát triển thương mại, dịch vụ quận Hà Đông giai đoạn 2016-2020 đã góp phần thúc đẩy kinh tế quận Hà Đông tiếp tục phát triển, tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng hướng. Đến nay, tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng chiếm 51,58% nền kinh tế; thương mại-dịch vụ-du lịch chiếm 48,37%; nông nghiệp giảm còn 0,05%. Giá trị sản xuất của một số ngành chủ yêu trên địa bàn bình quân 5 năm tăng 18%; quy mô sản xuất năm 2020 ước đạt trên 303.593 tỷ đồng, gấp 2,28 lần so với năm 2015; giá trị sản xuất ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp bình quân 5 năm tăng thêm 15,49%; doanh thu thương mại-dịch vụ-du lịch tăng bình quân 21,61%/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 3.63%/năm.
Những thành tựu trên đã khẳng định sự đúng đắn trong đường lối lãnh đạo của Quận ủy, HĐND, UBND quận trong phát triển kinh tế. Có thể khẳng định, Đề án 02 chính là bước đệm đưa thương mại, dịch vụ quận Hà Đông phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Đây là nền tảng vững chắc để chăm lo bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên địa bàn quận; thực hiện tốt các nhiệm vụ quy hoạch, đô thị, xây dựng; tăng cường quốc phòng an ninh, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền quận thực hiện và hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Hà Đông lần thứ XX.
Viết bình luận