Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu: Ký ức một thời hào hùng

Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu: Ký ức một thời hào hùng

Trong trang vàng lịch sử của Thủ đô và đất nước luôn khắc ghi những đóng góp, thành tích đặc biệt xuất sắc của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Qua thực tế đấu tranh gian khổ trường kỳ, những đoàn viên thanh niên cứu quốc năm xưa vẫn luôn xứng đáng là tấm gương mẫu mực để các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau học tập, lao động, xung kích đi đầu trong các lĩnh vực của đời sống, góp phần vào quá trình đổi mới đất nước.

Biểu tình giành chính quyền ngày 19/8/1945 tại Phủ khâm sai Bắc Kỳ. Ảnh tư liệu

Dấu ấn chặng đường lịch sử
 
Những năm 1939, thực dân Pháp đàn áp dã man cách mạng, bắt bớ cầm tù nhiều người yêu nước. Sự đàn áp của thực dân Pháp đã thức tỉnh lòng yêu nước của các tầng lớp trí thức. Trong hàng ngũ cách mạng chẳng những có công nhân, nông dân mà còn còn có đại địa chủ, nhiều quan lớn của triều đình, đương chức hoặc đã về hưu, nhiều chức sắc tôn giáo và trong đó có học sinh trường Bưởi. 
 
Tháng 8/1940, Đội Ngô Quyền, một tổ chức học sinh, yêu nước cách mạng, có khuynh hướng mácxít ra đời tại trường Bưởi (Hà Nội). Năm 1941, Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận định “... cuộc chiến tranh đế quốc lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, do đó mà cách mạng nhiều nước thành công…”. Hội nghị quyết định thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt minh) thay cho mặt trận Dân tộc phản đế Đông Dương. Về phương pháp cách mạng, Hội nghị nhận định rằng “Cuộc cách mạng Đông Dương sẽ kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang... ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”. Bác Hồ viết thư gửi đồng bào cả nước, kêu gọi: “các bạn sĩ, nông, công, thương, binh... thanh niên, phụ nữ, công chức... đoàn kết, thống nhất đánh đuổi Pháp, Nhật”.
 
Năm 1943, thanh niên cứu quốc Hà Nội tỏa ra các vùng Mọc, Cót, Khương Thượng, Giáp Nhất, tuyên truyền vận động cách mạng đánh Pháp, đuổi Nhật, chuẩn bị khởi nghĩa, kết nạp thêm nhiều đoàn viên mới. Cuối năm, đoàn Thanh niên cứu quốc Bái Ân đã có Tiểu đội tự vệ. Năm 1944, Thành ủy Hà Nội chủ trương đưa một số thanh niên cứu quốc vào các tổ chức “Chấn hưng võ Việt Nam”, “Thanh niên phòng thủ thụ động”. Tháng 5, Tổng Bộ Việt Minh ra “Chỉ thị sửa soạn khởi nghĩa”. Tháng 8, Việt Minh ra lời kêu gọi “Sắm vũ khí, đuổi quân thù chung”. 
 
Tháng 8/1944, trước yêu cầu của cách mạng và dưới sự lãnh đạo của Đảng, tại số nhà 46 Bát Đàn, Hoàn Kiếm (Hà Nội), một tổ chức quần chúng của thanh niên Hà Nội trực thuộc Mặt trận Việt Minh ra đời, chính thức mang tên Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. 
 
Sự ra đời của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu xuất phát từ thực tiễn đấu tranh cách mạng và Hà Nội cần phải có một tổ chức độc lập, tinh nhuệ của thanh niên, học sinh yêu nước. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Quyết - Bí thư Thành ủy Hà Nội, sự dẫn dắt của đồng chí Lê Quang Đạo - Bí thư Ban cán sự Đảng Hà Nội, đồng chí Vũ Quý - Ủy viên Ban sự Đảng, đồng chí Vũ Oanh - Bí thư Thanh niên cứu quốc, Hà Nội nhanh chóng trở thành lực lượng tiên phong trong phong trào cách mạng.
 
Thành tích đặc biệt xuất sắc 
 
Được sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Thành ủy Hà Nội, đoàn viên Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã tham gia và đi đầu trong hầu hết các cuộc đấu tranh cách mạng, thực hiện mọi hình thức đấu tranh cách mạng táo bạo nhưng cũng rất khôn khéo, sáng tạo, hiệu quả cao. 
 
Để hoạt động được triển khai rộng khắp trên tất cả các mặt trận, cũng như phát huy, khai thác thế mạnh của từng đoàn viên, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu đã thành lập các Đội, tổ bán chuyên trách tách ra từ Đoàn thanh niên cứu quốc hoạt động chuyên nghiệp, riêng biệt, gắn với từng nhiệm vụ cụ thể.
 
Đáng chú ý, trong 260 ngày hoạt động, Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu thuộc Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu đã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ như: tổ chức và bảo vệ cuộc mít tinh tại chợ Canh (Hoài Đức, Hà Tây); đột nhập tổ chức mít tinh tại trường E.P.I.V; tổ chức mít tinh tuần hành vũ trang tại làng Mễ Trì; phối hợp với thanh niên cứu quốc xã Nhân Chính, Từ Liêm phá kho thóc Nhật tại đình làng Mọc, Quan Nhân chia cho dân nghèo; đột nhập, diễn thuyết phá cuộc triển lãm độc lập giả hiệu do chính quyền bù nhìn tổ chức ngay sau ngày khai mạc;…
 
Trưa ngày 17/8/1945, Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu đã phá tan cuộc mít tinh của Tổng hội viên chức, giành thế chủ động, biến cuộc mít tinh của Tổng hội viên chức thành cuộc mít tinh biểu dương tinh thần và quyết tâm của quần chúng cách mạng Hà Nội trong phong trào chống Nhật và tay sai, tiến hành thành công cuộc biểu tình tuần hành thị uy xuất phát từ Nhà hát Lớn, theo dọc đường Tràng Tiền tỏa đi các hướng kéo dài đến 22 giờ đêm cùng ngày. 
 
Thắng lợi của cuộc đấu tranh ngày 17/8/1945 là yếu tố quyết định cho thành công của ngày 19/8 lịch sử. Đỉnh cao là ngày Chủ nhật 19/8/1945, Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu đã tổ chức thành công cuộc mít tinh, hiệu triệu khởi nghĩa, biểu tình tuần hành đi chiếm phủ Khâm sai, tòa Thị chính, Kho bạc, bưu điện Bờ Hồ và sở Cảnh sát Hàng Trống, chiếm trại Bảo an binh…
 
Ngoài Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã thành lập Đội Danh dự trừ gian, Báo Hồn nước, Đội Thanh niên cứu quốc và tự vệ xung phong ngoại thành Hà Nội và các tổ, đội khác như tiểu đội tự vệ chiến đấu, liên đội tự vệ học sinh, tổ nữ, tổ giao liên, đội tự vệ xung phong… có liên hệ chặt chẽ với nhau cùng góp phần công sức trong công cuộc khởi nghĩa, giành chính quyền tháng Tám năm 1945.
 
Tấm gương mẫu mực 
 
Cách mạng tháng Tám thành công, các đoàn viên thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu tham gia bảo vệ chính quyền cách mạng ở Thủ đô, tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Trải qua thực tế đấu tranh đã rèn luyện cho đội ngũ thanh niên yêu nước Hà Nội trưởng thành, bản lĩnh chính trị vững vàng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 
 
Sau giải phóng năm 1975, Ban Liên lạc các chiến sỹ Việt Minh thành Hoàng Diệu trước Cách mạng tháng Tám (nay gọi là Ban Liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu) được thành lập. 
 
Qua thực tế đấu tranh gian khổ trường kỳ, hiện nay, những đoàn viên thanh niên cứu quốc năm xưa đều đã vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng những người con ưu tú của Thủ đô ngày ấy vẫn giữ nguyên bầu nhiệt huyết cách mạng, khí thế hừng hực, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định đường lối đổi mới của Đảng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt; gương mẫu thực hiện đồng thời tuyên truyền, vận động gia đình và quần chúng nhân dân thực hiện tốt và đúng quan điểm, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nhiệt tình, trách nhiệm trong các hoạt động của chi hội Cựu Chiến binh, Chi hội Người cao tuổi, Mặt trận Tổ quốc khu dân cư luôn xứng đáng là tấm gương mẫu mực để các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau học tập, lao động, xung kích đi đầu trong các lĩnh vực của đời sống, góp phần vào quá trình đổi mới đất nước. 
 
Những đóng góp, thành tích hết sức đặc biệt xuất sắc của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã góp phần quan trọng vào thắng lợi cuộc cách mạng tháng Tám, kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước; có sức sống mãnh liệt và để lại nhiều bài học quý báu cho tuổi trẻ và công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi Thủ đô; xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Nguồn: 

Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội

Viết bình luận

Xem thêm tin tức