Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Tránh giải phóng mặt bằng hai lần trên cùng một dự án
Việc xác định cụ thể chỉ giới đường đỏ, cắm mốc phạm vi dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là một trong các yêu cầu quan trọng, tiên quyết để làm cơ sở tổ chức triển khai công tác giải phóng mặt bằng đối với dự án. Tuy nhiên, ngoài các mốc giới của tuyến chính, cần song song xác định mốc giới cả các đường ngang kết nối Vành đai 4 để tránh giải phóng mặt bằng hai lần trên cùng một dự án.
Việc xác định cụ thể chỉ giới đường đỏ, cắm mốc phạm vi dự án là một trong các yêu cầu quan trọng,
tiên quyết để làm cơ sở tổ chức triển khai công tác GPMB.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án quan trọng của quốc gia, có tổng chiều dài 112,8km (gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long). Điểm đầu của Vành đai 4 nối cao tốc Hà Nội-Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long; tổng mức đầu tư dự kiến 85.813 tỷ đồng. Đoạn trên địa bàn TP. Hà Nội dài khoảng 59,2km, đi qua 7 quận, huyện, tổng diện tích đất thu hồi khoảng 766,3ha.
Với khối lượng lớn về công tác thu hồi đất, lập quy hoạch, cắm mốc, khảo sát thiết kế, lập dự án đầu tư, các cấp, ngành, đơn vị của TP. Hà Nội gấp rút triển khai quyết liệt, bảo đảm tiến độ. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội - đại diện Chủ đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn cũng như các địa phương cắm và bàn giao gần 3.000 mốc giới của 3 đoạn tuyến cho 6 quận, huyện. Hiện Ban đang cùng với các đơn vị liên quan gấp rút hoàn thành việc bàn giao mốc giới đối với 2 đoạn tuyến còn lại.
Tuy nhiên, việc xác định, cắm và bàn giao mốc chỉ giới tuyến đường Vành đai 4 trên địa bàn Hà Nội mới chỉ tập trung vào tuyến đường chính và phạm vi 5 nút giao liên thông chính của thành phần đường cao tốc với các tuyến: Cao tốc Hà Nội - Lào Cai; đường trục 100 huyện Mê Linh; Đại Lộ Thăng Long, Quốc lộ 6; cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Còn phạm vi chỉ giới đường đỏ tại nhiều khu vực nút giao không kém phần quan trọng khác, kết nối Vành đai 4 với hệ thống đường đô thị song hành như: Quốc Lộ 32; Trục Tây Thăng Long, Trục Hồ Tây - Ba Vì; Quốc lộ 21B; Trục phía Nam; Quốc lộ 1A cũ phía Nam; Trục Ngọc Hồi - Phú Xuyên... lại chưa được xác định.
Nhiều chuyên gia nhận định, chỉ giới đường đỏ đường Vành đai 4 qua tại các điểm giao cắt với đường ngang kết nối hệ thống đường nêu trên vẫn chủ yếu là đường thẳng, chưa xác định cụ thể quy mô, phạm vi họng chờ với đường ngang theo quy hoạch. Nếu ví tuyến chính của Vành đai 4 là xương sống thì đường ngang là xương sườn, phải được triển khai đồng bộ nếu không Vành đai 4 sẽ bị hạn chế rất lớn khả năng liên thông, thậm chí là mất kết nối với mạng lưới đường xung quanh.
Mặt khác nếu không xác định chỉ giới đường đỏ ngay tại thời điểm này, khi đầu tư xây dựng các tuyến đường ngang kết nối sẽ lại phải làm lại công tác rà soát, dẫn đến chậm tiến độ. Đường ngang chậm tiến độ sẽ vừa hạn chế năng lực của Vành đai 4, vừa là khó khăn thiệt thòi cho các địa phương, khu vực có tuyến đường chiến lược đi qua mà không thể kết nối vào.
Việc xác định cụ thể chỉ giới đường đỏ, cắm mốc phạm vi dự án là một trong các yêu cầu quan trọng, tiên quyết để làm cơ sở tổ chức triển khai công tác giải phóng mặt bằng đối với Vành đai 4-Vùng Thủ đô, bao gồm cả phạm vi các nút giao, đường ngang kết nối đường đô thị song hành.
Nếu để phần việc cắm mốc chỉ giới phạm vi đường ngang lại sau sẽ có thể dẫn đến nhiều hệ luỵ phức tạp về giải phóng mặt bằng, đặc biệt là có thể ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong phạm vi dự án, vì có thể phải chịu giải phóng mặt bằng đến hai lần trên cùng một thửa đất.
Cụ thể là giải phóng mặt bằng lần 1 theo chỉ giới đường đỏ Vành đai 4; lần 2 theo chỉ giới đầu tư đường ngang đấu nối với đường đô thị song hành Vành đai 4.
Để bảo đảm việc kết nối giao thông được đồng bộ, hạn chế tối đa các tác động ảnh hưởng đối với người dân khi triển khai đự án đường Vành đai 4 và triển khai các dự án đường ngang theo quy hoạch, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã kịp thời có báo cáo, đề xuất UBND TP. Hà Nội, giao các đơn vị liên quan, tổ chức rà soát toàn bộ khu vực đất nằm trong phạm vi các nút giao.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có văn bản kiến nghị UBND TP. Hà Nội giao Sở QH&KT chủ trì phối hợp với Sở TN&MT và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án xác định phạm vi chỉ giới đường đỏ, phạm vi thu hồi đất đối với từng trường hợp, bảo đảm nguyên tắc chỉ thu hồi một lần đối với đất ở của người dân.
Không phát sinh trường hợp nhà siêu mỏng siêu méo sau khi giải phóng mặt bằng và trong trường hợp cần thiết có thể đề xuất điều chỉnh cục bộ phạm vi thu hồi đất cũng như phạm vi chỉ giới đường đỏ đường Vành đai 4 cho phù hợp với thực tiễn triển khai.
Viết bình luận