Hà Đông chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống cúm A(H5N1), A/H5N6 trên gia cầm và ở người
Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới và của các nước, từ đầu tháng 01/2020 đến nay, thế giới đã ghi nhận 11 ổ dịch bệnh Cúm gia cầm tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, năm 2019 bệnh Cúm gia cầm xảy ra tại 70 hộ chăn nuôi, 44 xã, 41 huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 133.000 con gia cầm; từ đầu tháng 01/2020 đến nay, cả nước có 01 ổ dịch A/H5N6 chưa qua 30 ngày tại tỉnh Quảng Ninh. Trên địa bàn Thành phố Hà Nội, từ đầu năm 2020 đã phát sinh ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại huyện Chương Mỹ và đã tiêu hủy 2.400 con.
Phun thuốc phòng dịch cho đàn gia cầm phòng chống cúm A (H5N1).
Thực hiện Công văn số 167/TTg-NN ngày 05/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng chống dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm và ở người; Văn bản số 273/SNN-CNTY ngày 06/02/2020 của Sở NN-PTNT Hà Nội về việc tập trung phòng chống dịch bệnh động vật và bệnh viêm nhiễm đường hộ hấp ở người thành phố Hà Nội; ngày 11/2, UBND quận Hà Đông đã ban hành Văn bản số 318/UBND-KT triển khai các biện phòng, chống dịch động vật, đặc biệt là bệnh cúm A(H5N1), A/H5N6 trên gia cầm và ở người.
Theo đó, UBND quận yêu cầu Phòng Kinh tế chủ trì, phối hợp với các phòng, đơn vị chuyên môn của quận tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, công tác quản lý hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm tại các địa phương. Phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, kinh doanh, buôn bán động vật và sản phẩm động vật, đặc biệt là gia cầm và sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định. Khi có dịch xảy ra, tham mưu cho UBND quận thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch và triển khai hoạt động theo quy định tại Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y tham mưu kịp thời các giải pháp phòng chống dịch và hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả, không để dịch lây lan ra diện rộng.
Trạm Chăn nuôi và Thú y tổng hợp, thống kê chính xác tổng đàn, số hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, chăn nuôi chó, mèo trên toàn quận để quản lý và tổ chức tiêm phòng hiệu quả. Chỉ đạo cán bộ thú y cơ sở thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi đến tận hộ để kịp thời phát hiện và xử lý khi có dịch bệnh phát sinh. Tổ chức hiệu quả công tác tiêm phòng đại trà đợt 1 cho đàn gia cầm để chủ động miễn dịch; triển khai thực hiện nghiêm Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc. Tăng cường vệ sinh tiêu độc phun thuốc sát trùng tại các chợ trên địa bàn quận; tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn quận; nghiêm cấm hoạt động kinh doanh gia cầm lông sống tại các tụ điểm kinh doanh, đặc biệt tại các chợ trên địa bàn. Chủ động tham mưu kịp thời cho UBND quận các giải pháp, phương án phòng chống dịch. Phối hợp với cơ quan y tế chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh động vật có khả năng lây truyền sang người, đặc biệt là bệnh cúm trên gia cầm để chủ động triển khai các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm sang người và xử lý ổ dịch khi có dịch xảy ra.
Đội Quản lý thị trường số 26 phối hợp với ngành thú y tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động vận chuyển, xuất nhập, kinh doanh, buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh trái phép động vật, sản phẩm động vật, quản lý việc giết mổ chó, mèo, đặc biệt đối với các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào địa bàn. Nghiêm cấm việc kinh doanh, giết mổ gia cầm sống trên địa bàn quận.
Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận tăng cường tuyên tuyền và chỉ đạo đài truyền thanh các phường thường xuyên tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, Dịch tả lợn Châu Phi… để người dân biết và tự giác thực hiện.
Phòng Y tế, Trung tâm Y tế quận tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp cấp tại cơ sở và cộng đồng, lưu ý đối với các trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết cần được lấy mẫu xét nghiệm và triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị, phòng chống dịch.
UBND các phường đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình dịch bệnh động vật, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm; vận động nhân dân tham gia giám sát, phát hiện, đấu tranh với các hoạt động vận chuyển, kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Tổ chức tiêm phòng đại trà đợt 1 cho đàn gia súc, gia cầm đảm bảo 100% gia súc, gia cầm thuộc diện tiêm phòng bắt buộc được tiêm phòng đầy đủ. Yêu cầu người chăn nuôi phải báo với cơ quan chức năng khi phát hiện có gia súc, gia cầm ốm, chết bất thường; nghiêm cấm việc giấu dịch, bán chạy gia súc, gia cầm mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh. Đồng thời, UBND các phường cũng chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, kinh phí, dụng cụ, hóa chất, địa điểm chôn lấp gia súc, gia cầm trong trường hợp phát hiện ổ dịch bệnh buộc phải tiêu hủy theo quy định.
Viết bình luận