Hà Nội thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới

Ngày 3/2/2021, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký ban hành chỉ thị số 03/CT-UBND về thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

y te KH 3.jpg

Nhân viên y tế phường Kiến Hưng xịt khử khuẩn trước khi lấy mẫu xét nghiệm cho những người đi từ vùng dịch về.

Chỉ thị nêu rõ: Tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, từ ổ dịch tại tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh đã lan ra một số tỉnh, thành phố trong đó có Hà Nội. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19-19, Bộ Y tế, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy về công tác phòng, chống dịch; để nhanh chóng kiểm soát có hiệu quả sự lây lan, chủ động quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh Covid-19-19 sớm, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19-19 trong tình hình mới như sau:

1. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thuộc Thành phố; Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã phải xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hàng đầu trong thời gian trước, trong và sau tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tiếp tục thực hiện nghiêm các quan điểm, nguyên tắc, phương châm: 

a) Quán triệt sâu sắc quan điểm “chống dịch như chống giặc"; thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tăng tốc thực hiện các biện pháp phát hiện sớm nguồn lây, cách ly kịp thời, khoanh vùng nhanh gọn, dập dịch triệt để. 

b) Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, tích cực tham gia và đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. 

c) Kiên định thực hiện các nguyên tắc phòng, chống dịch: Ngăn chặn, phát hiện sớm, truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh chóng, cách ly triệt để, lấy mẫu kịp thời, xét nghiệm và xử lý nhanh. Đồng thời với việc làm tốt công tác điều trị đảm bảo an toàn trong Bệnh viện, hạn chế thấp nhất người tử vong; chủ động phương châm “4 tại chỗ", tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch. 

d) Thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo sức khoẻ nhân dân được an toàn, đồng thời tập trung quyết liệt thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố. 

2. Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dich Covid-19:

a) Tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch: Bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài; không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; thực hiện khai báo y tế theo quy định; khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, viêm phổi... phải đến ngay cơ quan y tế để được hướng dẫn và khám, điều trị kịp thời.

b) Dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết. Không tổ chức liên hoan tất niên, gặp mặt đầu xuân; thực hiện việc hiếu, hỷ văn minh, hạn chế tối đa tập trung đông người và đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, tránh lây lan dịch bệnh.

c) Phòng chống dịch trong các cơ sở dịch vụ, sản xuất kinh doanh:

- Tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ: Karaoke, quán bar, vũ trường, Game, Internet cho đến khi có chỉ đạo cho phép tiếp tục hoạt động của Thành phố. Các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ khác phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như: Trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc. Đối với hoạt động kinh doanh ăn uống, cà phê giải khát - là nơi có nguy cơ lây nhiễm trực tiếp cần thực hiện giãn cách tối thiểu 2m giữa người với người hoặc giữ khoảng cách tối thiểu 1m và có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà.

- Hạn chế di chuyển, nhất là trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong vận chuyển hành khách công cộng: Hành khách và lái xe phải đeo khẩu trang, khai báo y tế, có dung dịch sát khuẩn để sát khuẩn tay; lập danh sách hành khách (họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ) đối với hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh; sắp xếp, bố trí hành khách ngồi giãn cách trên xe.

- Thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 tại hộ gia đình, chung cư, trường học, trụ sở làm việc, hội họp, trên phương tiện giao thông, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ dân sinh, khu công nghiệp, nhà máy... theo Quyết định số 3888/QĐ-BYT ngày 08/9/2020 của Bộ Y tế ban hành sổ tay hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng trong trạng thái bình thường mới.

d) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở chịu trách nhiệm thực hiện công tác phòng, chống dịch trong cơ quan, đơn vị: Không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết, không tổ chức liên hoan, tiệc mừng; khuyến khích họp trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin, không để đình trệ công việc nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đối với sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế - xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức thì do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm như: Khử khuẩn phòng họp, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, ngồi giãn cách.

e) Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn duy trì triển khai hoạt động của tổ giám sát cộng đồng và hoạt động ứng trực 24/24/7 để thực hiện rà soát, nhắc nhở, đôn đốc công tác phòng, chống dịch tới từng hộ gia đình nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

3. Sở Y tế:

- Căn cứ vào đặc điểm, tính chất, cơ chế lây bệnh của chủng vi rút trên địa bàn Thành phố, chỉ đạo phương án khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm theo ưu tiên mức độ cấp thiết phù hợp với từng đối tượng, khu vực.

- Hướng dẫn, phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, kiểm tra, thực hiện kịp thời, có hiệu quả công tác phát hiện, cách ly, khoanh vùng triệt để khi phát hiện ca lây nhiễm, xuất hiện ổ dịch trên địa bàn. Khi phát hiện ca bệnh dương tính khẩn trương bao vây khoanh vùng, khử khuẩn những địa điểm liên quan theo quy định. Đồng thời, tổ chức truy vết “thần tốc", xác định nhanh nhất những trường hợp liên quan đến tiếp xúc với ca bệnh để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cách ly y tế theo quy định; lập danh sách trường hợp F3 để phục vụ giám sát phòng chống dịch; cương quyết, dồn mọi nguồn lực, bằng mọi giải pháp xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh.

- Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, các Trung tâm y tế phối hợp các Bệnh viện, đơn vị Trung ương trên địa bàn Thành phố khẩn trương xét nghiệm nhanh nhất theo đúng chỉ đạo của Trung ương và Thành phố. Thực hiện xét nghiệm đối với các trường hợp ho sốt, khó thở khi khám bệnh tại các bệnh viện, các ca nghi ngờ và các trường hợp cần thiết khác để đảm bảo phát hiện sớm ca bệnh phục vụ công tác phòng, chống dịch có hiệu quả.

- Chỉ đạo và tăng cường kiểm tra các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn Thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phân luồng, khám sàng lọc, tăng cường xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế để phát hiện kịp thời ca bệnh, tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh. Có phương án bảo đảm an toàn đối với cán bộ, nhân viên y tế, người tham gia công tác phòng, chống dịch, người bệnh, đặc biệt lưu ý người cao tuổi, người có bệnh lý nền; một bệnh nhân nặng chỉ cho phép 01 người chăm sóc, không thăm bệnh nhân tại các bệnh viện trên địa bàn. Thực hiện nghiêm Bệnh viện an toàn và phòng khám an toàn theo quy định của Bộ Y tế.

- Rà soát, chuẩn bị nguồn lực, kể cả kế hoạch dự kiến huy động đội ngũ chuyên gia, lực lượng sinh viên ngành y, y bác sỹ nghỉ hưu trên địa bàn (khi cần thiết). Triển khai thực hiện việc mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế cần thiết đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

4. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chủ trì, phối hợp Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác tổ chức cách ly tập trung tại các cơ sở do Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội quản lý; quản lý các cơ sở cách ly tập trung dân sự do Thành phố thành lập.

5. Công an thành phố Hà Nội:

- Tiếp tục chỉ đạo công an quận, huyện, thị xã, công an xã phường thị trấn phối hợp với chính quyền địa phương, cơ sở y tế rà soát trong thời gian nhanh nhất những trường hợp F1, F2, F3 và những người đi về từ vùng có dịch tại tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh theo phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng không bỏ sót để phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch.

- Chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm những trường hợp nhập cảnh trái phép, các trường hợp đưa thông tin không đúng sự thật, không khai báo y tế, khai báo không trung thực, vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

6. Sở Công Thương: Rà soát các phương án dự phòng hàng hóa theo phương án phòng chống dịch; tăng cường kết nối lưu thông hàng hóa, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã đảm bảo cung cấp hàng hóa cho Nhân dân các khu cách ly.

7. Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các quận, huyện thị xã, Đài phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các cơ quan báo chí của Thành phố: Tăng cường thông tin tuyên truyền đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch về diễn biến tình hình dịch bệnh; tuyên truyền người dân thực hiện tốt khuyến cáo “5K": Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập đông người - Khai báo y tế; tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt và sử dụng ứng dụng truy vết, ứng dụng Bluezone, ứng dụng khai báo y tế.

8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Tổ chức thực hiện có hiệu quả các gói hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định; tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các cơ sở bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng người có công, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở cai nghiện...

9. Sở Giao thông vận tải: Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại bến xe, bến tàu, phương tiện giao thông công cộng, yêu cầu chủ phương tiện phải cam kết chịu trách nhiệm đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch khi hoạt động kinh doanh vận tải.

10. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì phối hợp sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra việc phòng, chống dich trong trường học; chuẩn bị phương án dạy học trực tuyến khi cần thiết để đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thành phố.

11. Sở Văn hóa và Thể thao: Tăng cường kiểm tra và xử lý các vi phạm công tác phòng chống dịch trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, quản lý lễ hội; tuyên truyền tổ chức thực hiện nếp sống văn hóa và các quy tắc ứng xử của Thành phố, tham mưu, hướng dẫn các hoạt động văn hóa trên địa bàn đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng chống dịch.

12. Cục Quản lý Thị trường Hà Nội: Tăng cường công tác quản lý thị trường tránh đầu cơ, thổi giá; kiểm tra, kiểm soát hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, lưu ý các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch; ngăn chặn vận chuyển buôn bán động vật hoang dã.

13. Các Sở, ngành, đơn vị trực thuộc Thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ và phân công nhiệm vụ của UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 Thành phố thực hiện kịp thời có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch được giao.

14. Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội phối hợp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các quận, huyện, thị xã: Chỉ đạo các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế. Doanh nghiệp chỉ được duy trì hoạt động sản xuất khi đảm bảo các yêu cầu về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

15. UBND các quận, huyện, thị xã:

- Chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thành phố Hà Nội.

- Tiếp tục phát động phong trào quần chúng, phối hợp Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tại địa phương tuyên truyền tới từng tổ dân phố, khu dân cư, hộ gia đình tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của Thành phố.

- Chỉ đạo xã, phường, thị trấn, lực lượng chức năng tiếp tục rà soát các trường hợp F1, F2, F3 và những người đi về từ vùng dịch tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh theo phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, không bỏ sót để phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch. Yêu cầu các hộ gia đình có cam kết thực hiện khai báo y tế.

- Chỉ đạo quyết liệt việc truy vết tiếp xúc, quản lý chặt chẽ việc cách ly và sau cách ly, theo dõi y tế tại nhà. Quản lý tạm vắng, tạm trú, kịp thời phát hiện trường hợp nhập cảnh trái phép về cộng đồng, người về từ vùng dịch không khai báo y tế theo quy định.

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, các nơi thường xuyên có hoạt động tập trung đông người (như siêu thị, chợ, nhà ga....) phải có phương án phòng, chống dịch đáp ứng yêu cầu, tự trang bị các phương tiện, vật tư phòng, chống dịch cần thiết.

- Chỉ đạo thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly tại khách sạn, các cơ sở cách ly tập trung khác ngoài các cơ sở cách ly do Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội quản lý theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Giải tỏa ngay quán nước lấn chiếm vỉa hè, tụ tập đông người; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch và xử lý nghiêm các vi phạm về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn theo quy định.

16. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố phối hợp với chính quyền các cấp tăng cường vận động Nhân dân nâng cao ý thức tự giác, tích cực tham gia phòng, chống dịch. Tiếp tục vận động, chăm lo, hỗ trợ cho người dân khó khăn do dịch bệnh trên địa bàn Thành phố; vận động, tổ chức tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả kinh phí, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Nguồn: 

Cổng thông tin điện tử quận Hà Đông

Viết bình luận

Xem thêm tin tức