Kỷ niệm ngày Dân số Việt Nam 26/12

Kỷ niệm ngày Dân số Việt Nam 26/12

Ngay từ năm 1961, khi dân số cả nước ta chỉ mới khoảng 31 triệu người trong đó Miền Bắc chỉ gần 17 triệu người, Hội đồng Chính phủ đã có Quyết định số 216-CP ngày 26/12 “về việc sinh đẻ có hướng dẫn”. Với văn bản này có thể nói Việt Nam thuộc nhóm những nước có chương trình kế hoạch hóa gia đình sớm nhất thế giới. Trải qua 56 năm thực hiện các mục tiêu của công tác Dân số, nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần phát triển kinh tế bền vững của đất nước.

Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của Việt Nam đã giảm được 4,3 con, từ 6,3 con năm 1960 xuống còn xấp xỉ 2 con từ năm 2010. Tuổi thọ bình quân tăng thêm hơn 33 tuổi, từ 40 tuổi năm 1960 lên 73,3 tuổi năm 2015, trong khi tuổi thọ trung bình của thế giới chỉ tăng thêm là 21 tuổi, từ 48 tuổi lên 69 tuổi. Hiện nay, Tỷ suất tăng dân số trung bình mỗi năm là 1,06% giai đoạn từ 2009 đến 2015, thấp hơn so với tỷ suất tăng dân số 1,2% mỗi năm trong giai đoạn 1999 – 2009. Năm 2016 tổng tỷ suất sinh đạt 2,10 con/phụ nữ.

Những thành tựu của công tác DS-KHHGĐ đã góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, góp phần đáng kể vào việc tăng thu nhập bình quân đầu người, cải thiện đời sống nhân dân, giảm tình trạng đói nghèo, tăng cường bình đẳng giới, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, với số dân gần 92 triệu người, Việt Nam vẫn giữ vị trí đông dân thứ 14 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, hiện tại Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ Dân số vàng nhưng tỷ trọng người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên đã chiếm 10,5%, chỉ số già hóa là 44,6%. Thời kỳ già hóa đem lại những tiềm năng bao gồm cơ hội đầu tư, tăng cường chất lượng lao động và kiến thức, đem lại các lợi ích kinh tế. Nhưng đồng thời, cũng đặt ra những thách thức to lớn đòi hỏi phải có những phương thức tiếp cận mới trong chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số…Ước tính ở Việt Nam mỗi năm có hơn 1 triệu em bé được sinh ra, trong đó có khoảng 22.000-30.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh ở nhiều dạng bệnh khác nhau. Nếu như trước đây, các thai phụ chỉ được thăm khám bằng các biện pháp đơn giản thì gần đây, nhờ sự tiến bộ của y học, nhất là từ khi triển khai đề án tầm soát phát hiện một số tật, bệnh bẩm sinh thông qua sàng lọc trước sinh và sơ sinh, trẻ sinh ra đã tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Cùng với cả nước, công tác Dân số-KHHGĐ của Thủ đô đã có những đóng góp quan trọng vào  sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô và đất nước. Trong nhiều năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố luôn xác định công tác DS-KHHGĐ là bộ phận quan trọng của Chiến lược phát triển Thủ đô, là giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và cộng đồng. Cùng với sự phấn đấu tích cực của các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ; sự quan tâm ủng hộ, giúp đỡ; phối hợp của các bộ, ngành của Trung ương, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế và sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân công tác DS-KHHGĐ của Thành phố đã đạt được những thành tựu đáng kể:

Những năm gần đây, chất lượng dân số Thủ đô đã từng bước được nâng cao; Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm giảm 0,2%  ( năm 2016, giảm từ 14,7%  xuống còn 14,5%).Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm 0,2% ( năm 2016 giảm từ 9,2% xuống còn 9%). Khống chế tỷ lệ béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi <10%. Đặc biệt là Thành phố đã phê duyệt và đầu tư cho Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh trên địa bàn Thành phố và được triển khai rộng khắp ở 30 quận, huyện, 584 xã, phường, thị trấn. Năm 2015 tỷ lệ sàng lọc trước sinh của Thành phố đạt 70% số bà mẹ mang thai, 80% trẻ sơ sinh được sàng lọc một số bệnh cơ bản; năm 2017 tỷ lệ này đạt tương ứng là 74% và 83% ưu tiên các xã khó khăn đã mang lại kết quả rõ rệt. Ngoài sàng lọc trước sinh và sơ sinh, Hà Nội còn triển khai một số hoạt động sàng lọc khác như: sàng lọc khiếm thính cho trẻ từ 0-60 tháng tuổi, sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh cho vị thành niên, Thanh niên, sàng lọc tim bẩm sinh cho trẻ sơ sinh. Từ năm 2014 Hà Nội đã thành lập và đưa Trung tâm sàng lọc trước sinh, sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vào hoạt động.

Ngoài ra, nhiều mô hình nâng cao chất lượng dân số đã được triển khai và nhân rộng như: mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng; mô hình chăm sóc SKSS vị thành niên; mô hình tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; mô hình can thiệp truyền thông về chăm sóc SKSS/KHHGĐ tới vùng dân cư đặc thù

Như vậy, trong nhiều năm qua, thành tựu của công tác dân số Thủ đô từng bước ổn định về quy mô, giảm tỷ suất sinh, giảm tỷ lệ sinh con 3+, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng tuổi thọ trung bình, tăng cường chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng... Đặc biệt là cải thiện cơ cấu dân số về tuổi, làm cho nhóm dân số trong độ tuổi lao động chiếm đa số trong tổng số dân cư. Theo cơ cấu tuổi dân số hiện tại Hà Nội đang trong thời kỳ “Dân số vàng” tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Mặc dù công tác dân số trên địa bàn Thủ đô đã đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của Thành phố, nhưng trong giai đoạn hiện nay công tác dân số đang đứng trước những khó khăn, bất cập mới: Do quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng. Tỷ lệ sinh con thứ ba có giảm nhưng chưa ổn định, chất lượng dân số còn chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô, do đó cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện các hoạt động nâng cao chất lượng dân số Thủ đô trong giai đoạn tới. Tỷ số giới tính khi sinh của thành phố vẫn còn ở mức cao có xu hướng giảm nhưng không bền vững. Biến động dân số cơ học hàng năm lớn do đó, khó khăn trong việc quản lý dữ liệu dân cư trên địa bàn ảnh hưởng đến hoạt động xã hội và phục vụ dịch vụ trên địa bàn Thủ đô. Tuổi thọ của người dân tăng cao, tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh vì thế già hóa dân số đang là một thách thức lớn của Hà Nội đòi hỏi phải có một kế hoạch chủ động ứng phó và những chính sách phù hợp nhằm đảm bảo tốt hơn sức khỏe, an sinh xã hội và quyền lợi của người cao tuổi.

Với nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của chương trình DS-KHHGĐ trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống, toàn bộ hệ thống làm công tác DS-KHHGĐ quyết tâm đoàn kết phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, vận dụng những điều kiện thuận lợi, xác định những nhiệm vụ và biện pháp thích hợp trong tình hình mới, chủ động sáng tạo trong mọi hoạt động, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao, tạo tiền đề thuận lợi để triển khai các nhiệm vụ DS-KHHGĐ trong giai đoạn tới.

Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số và Kỷ niệm ngày Dân số Việt Nam 26/12 với chủ đề Thực hiện tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số, bằng những kinh nghiệm phong phú và những bài học quý giá trong 56 năm qua, chương trình dân số của Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung quyết tâm vươn lên những tầm cao mới, thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất là cùng với cả nước bảo đảm duy trì được mức sinh thay thế để ổn định quy mô dân số vào giữa thế kỷ 21, tiến tới nâng cao chất lượng dân số tạo điều kiện để mỗi người dân, mỗi gia đình và toàn xã hội có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Thực hiện: 

Phòng Truyền thông – Nghiệp vụ

Nguồn: 

TT Dân số KHHGĐ

Viết bình luận

Xem thêm tin tức