Hà Đông - 67 năm rạng rỡ những trang sử vàng
Ngày 6/10/1954, từ 7 giờ sáng, quân Pháp rút khỏi thị xã Hà Đông, bộ đội và cán bộ ta từ nhiều ngả tiến vào thị xã. Đến 9 giờ, tên lính Pháp cuối cùng rời khỏi thị xã. Đúng 12 giờ, cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại sân vận động, trên 2.000 nhân dân phấn khởi chào mừng thắng lợi, chào mừng Ủy ban quân chính tỉnh Hà Đông. Thị xã Hà Đông được hoàn toàn giải phóng. Từ đây, ngày 6/10/1954 đã trở thành một mốc son, sự kiện trọng đại, đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra trang sử vẻ vang trong lịch sử quê hương Hà Đông.
Bộ đội ta tiếp quản thị xã Hà Đông ngày 6/10/1954 trước sự hân hoan mừng đón của đồng bào.
Tấm áo giáp vững chắc, vành đai bảo vệ Thủ đô trong những năm kháng chiến
Nằm giữa các làng Việt cổ, tên gọi Hà Đông được hình thành dưới thời Pháp thuộc gắn liền với quá trình chia tách tỉnh Hà Nội, với mốc lịch sử 06/12/1904 khi toàn quyền Đông Dương ra nghị định đổi tên tỉnh Cầu Đơ thành tỉnh Hà Đông. Và tên gọi của tỉnh lỵ cũng là Hà Đông gồm nội thị với 2 khu phố: tả ngạn sông Nhuệ là Hà Văn, hữu ngạn sông Nhuệ là Hà Cầu. Hơn 1 thế kỷ là trung tâm chính trị của tỉnh Hà Đông, Hà Sơn Bình, Hà Tây; Hà Đông còn được xem như tấm áo giáp vững chắc, cửa ngõ đặc biệt quan trọng, vành đai trực tiếp bảo vệ Thủ đô.
Là nơi sớm tiếp nhận ánh sáng cách mạng từ lãnh tụ thiên tài Nguyễn Ái Quốc, ngay từ đầu năm 1930 tại thôn La Khê, một số thanh niên yêu nước đã mở một lớp học chữ Quốc ngữ để tạo điều kiện tập hợp quần chúng, phát triển tổ chức và bí mật quyên góp tiền ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ở Hà Đông, thời khắc lịch sử được đánh dấu với cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Vạn Phúc đêm 16 rạng ngày 17/8/1945 và cơ bản hoàn thành vào ngày 23/8/1945. Từ ngày 3 đến 19/12/1946, Làng dệt Vạn Phúc vinh dự được đón Bác Hồ về ở và làm việc. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Người, Đảng bộ và nhân dân Hà Đông đã nhất tề đứng lên xây dựng và củng cố phòng tuyến chiến đấu. Những trận đánh bốt Đa Sỹ, phục kích diệt địch trên đường 6, đường 70, đường 71 mãi là những mốc son lịch sử, đánh dấu những đóng góp của Hà Đông trong 9 năm trường kỳ kháng chiến với kết thúc thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Ngày 6/10/1954, từ 7 giờ sáng, quân Pháp rút khỏi thị xã Hà Đông, bộ đội và cán bộ ta từ nhiều ngả tiến vào thị xã. Đến 9 giờ, tên lính Pháp cuối cùng rời khỏi thị xã. Đúng 12 giờ, cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại sân vận động, trên 2.000 nhân dân phấn khởi chào mừng thắng lợi, chào mừng Ủy ban quân chính tỉnh Hà Đông. Thị xã Hà Đông được hoàn toàn giải phóng. Từ đây, ngày 6/10/1954 đã trở thành một mốc son, sự kiện trọng đại, đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra trang sử vẻ vang trong lịch sử quê hương Hà Đông.
Sau ngày giải phóng, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Hà Đông lại thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bọn tay sai để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vừa sản xuất, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", Hà Đông đã hoàn thành trọn vẹn, vẻ vang vai trò là hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến đánh Mỹ, thống nhất đất nước. Lịch sử những năm tháng chống Mỹ cứu nước cũng ghi dấu những tình cảm đặc biệt của Bác Hồ với Hà Đông. Ngày 21/01/1966, khi về thăm, chúc Tết đồng bào xã viên hợp tác xã Văn Phú (nay là phường Phú La), Người đã căn dặn dân làng xây dựng quê hương đúng như tên làng: Văn là có văn hóa, Phú là giầu có.
Vượt qua những khó khăn, gian khổ thời kỳ bao cấp, Hà Đông tiếp tục nắm bắt và triển khai quyết sách mới của Đảng, cùng cả nước tạo nên những thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong hơn 30 năm đổi mới đất nước.
Hà Đông ngày càng mang dáng dấp đô thị sầm uất, hiện đại.
Năng động, sáng tạo trong thời kỳ đổi mới
Xứng đáng với vai trò trong lịch sử xây dựng và phát triển của tỉnh Hà Tây, Hà Sơn Bình, ngày 1/8/2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, Hà Đông chính thức trở thành quận nội thành của Thành phố Hà Nội. Phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, năng động sáng tạo, sau 13 năm hợp nhất với Thủ đô Hà Nội, Hà Đông tiếp tục là địa phương gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động.
Trên lĩnh vực kinh tế, mặc dù vẫn chịu tác động của suy thoái và dịch bệnh, song Đảng bộ quận đã lãnh đạo duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, góp phần quan trọng vào phục hồi tăng trưởng kinh tế chung của Thủ đô. Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực theo hướng tăng mạnh tỷ trọng ngành công nghiệp dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Hoạt động của các thành phần kinh tế phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô. Bình quân 1 năm số doanh nghiệp, hộ kinh doanh mới thành lập tăng 1,48 lần so với đầu nhiệm kỳ. Điểm sáng nhất trong phát triển kinh tế quận 5 năm qua chính là thu ngân sách đạt cao, vượt cả chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XX và kế hoạch giao hàng năm. Tổng thu ngân sách nhà nước 5 năm gần đây đạt 20.478 tỷ đồng, vượt dự toán Thành phố giao trên 3.300 tỷ và tăng 19% so với dự toán. Sau 2 nhiệm kỳ thực hiện Đề án 02, đến nay Hà Đông đã có hệ thống thương mại khá đồng bộ, hiện đại với 7 trung tâm thương mại và mua sắm, 24 siêu thị, 16 chợ dân sinh, 61 cửa hàng tiện tích cùng hàng trăm cửa hàng tự chọn, đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng của nhân dân. Các tuyến phố văn minh thương mại, tuyến phố chuyên doanh, tuyến phố làng nghề xuất hiện ngày càng nhiều là cơ sở đảm bảo cho Hà Đông luôn có nguồn thu ổn định từ thương mại, dịch vụ. Những năm qua quận Hà Đông cũng quan tâm đầu tư cho nông nghiệp theo hướng chuyên canh cho năng suất cao, xây dựng được 1 số mô hình sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao như trồng rau an toàn tại phường Đồng Mai, hoa tại phường Yên Nghĩa, trồng dưa lưới tại phường Kiến Hưng… Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, nông nghiệp đã phát huy vai trò quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Song hành với những chuyển biến mạnh mẽ trên lĩnh vực kinh tế, quận Hà Đông không ngừng chăm lo phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội. Với việc thực hiện nghiêm túc Đề án 01, sự nghiệp trồng người trên địa bàn quận tiếp tục có bước tiến vượt bậc về cả lượng và chất. Chưa giai đoạn nào quy mô, mạng lưới trường lớp được đầu tư phát triển như 5 năm trở lại đây. Chỉ trong 5 năm, quận xây mới 27 trường học công lập, cải tạo 33 trường. Chi đầu tư cho giáo dục và đào tạo đạt 1.306 tỷ đồng. Hiện toàn quận có 128 trường học với trên 96.000 học sinh; tăng thêm 44 trường học, 80 cơ sở mầm non, 902 nhóm lớp và trên 22.700 học sinh so với đầu nhiệm kỳ. Ngành GD-ĐT quận tiếp tục giữ vững vị trí tốp đầu của Thành phố. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", “Người tốt việc tốt", xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh tiếp tục đi vào chiều sâu và đạt nhiều kết quả thiết thực. Chất lượng tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa ngày càng được nâng lên. Đến nay có 91% hộ gia đình và 77% tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XX. Nếu năm 2015 tỷ lệ việc cưới, việc tang theo nếp sống văn hóa chỉ đạt 93% thì đến năm 2019 đã nâng lên 99%, trong đó việc tang thực hiện hỏa táng đạt 77%.
Giáo dục Hà Đông có sự phát triển vượt bậc, luôn giữ vị trí tốp đầu Thành phố.
Quận Hà Đông luôn là địa phương đi đầu Thành phố trong thực hiện chính sách đối với người có công. 5 năm qua, quận đã cấp ngân sách 385,4 tỷ đồng để thực hiện chế độ cho các đối tượng chính sách. Điểm nổi bật trong thực hiện chính sách an sinh thời gian qua, đó là quận đã huy động nhiều nguồn lực xây mới, sửa chữa 161 ngôi nhà cho người có công với tổng kinh phí xấp xỉ 11 tỷ đồng. Công tác giảm nghèo được tập trung thực hiện với nhiều biện pháp đồng bộ, đạt hiệu quả cao. Đến nay toàn quận ko còn hộ nghèo. Công tác y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, phòng chống dịch bệnh tiếp tục có những chuyển biến đáng ghi nhận. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn ổn định, xây dựng Hà Đông thành khu vực phòng thủ vững chắc. Lực lượng Công an đã khẳng định vai trò nòng cốt, xung kích trong việc giải quyết tình hình an ninh nội bộ, nhất là an ninh trong tôn giáo; tích cực xử lý kịp thời nhiều vụ việc nổi cộm, bức xúc, tồn đọng kéo dài tại một số địa phương.
Những thắng lợi trong 67 năm qua của Hà Đông luôn gắn liền với sự trưởng thành và không ngừng lớn mạnh của hệ thống chính trị từ quận đến cơ sở. Từ một Đảng bộ chỉ có trên 10 đảng viên sau ngày giải phóng, đến nay, Đảng bộ quận đã có 59 tổ chức cơ sở Đảng với trên 2,1 vạn đảng viên, sinh hoạt tại 646 chi bộ. Số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ năm sau cao hơn năm trước. Cấp ủy chính quyền quận tập trung giải quyết có hiệu quả nhiều vụ việc còn tồn tại theo tinh thần Nghị quyết 15-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội". Bộ máy chính quyền không ngừng được củng cố, kiện toàn. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND; năng lực quản lý, điều hành của UBND quận và các phường từng bước được nâng cao; quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực được phát huy. Ủy ban MTTQ và các đoàn thể từ quận đến cơ sở không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, động viên đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong các thời kỳ cách mạng.
Từ mốc son giải phóng 67 năm về trước, đến nay, mạch nguồn đoàn kết, ý chí quyết tâm không lùi bước của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân quận Hà Đông tiếp tục được bồi tụ làm nên những thành tựu quan trọng. Đây cũng là động lực để cán bộ và nhân dân trong quận hướng tới những mục tiêu cao hơn, xa hơn. Ghi nhận những thành tích đạt được, năm 2012 quận Hà Đông vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng Nhì, năm 2018 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
117 năm sau ngày thành lập, 67 năm sau ngày giải phóng, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Hà Đông luôn tự hào về những đóng góp vẻ vang cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng phát triển đất nước, cũng như vai trò là một đô thị trung tâm trong suốt nhiều thời kỳ lịch sử. Với thế và lực sẵn có, quận Hà Đông đang tự tin tiến những bước dài trên con đường phát triển, vươn mình trở thành điểm sáng đô thị văn minh, hiện đại, giàu bản sắc phía Tây Nam trung tâm Thủ đô Hà Nội.
Viết bình luận