Quận Hà Đông triển khai nhiều hoạt động nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2022

Quận Hà Đông triển khai nhiều hoạt động nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2022

Với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em", Tháng hành động Vì trẻ em năm 2022 được UBND quận Hà Đông triển khai nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình và cả cộng đồng trong việc thực hiện các quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh; tạo điều kiện để mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, thân thiện và phát triển toàn diện.

TANG QUA TRẺ EM.jpg 

Tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2021.

Tháng hành động vì trẻ em 2022 được triển khai từ ngày 1/6 đến ngày 30/6/2022. UBND quận yêu cầu tất cả các hoạt động phải đảm bảo an toàn, hiệu quả, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các văn bản chỉ đạo của Thành phố, của quận. 

Theo đó, quận và các phường sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Trung ương và Thành phố về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tổ chức chiến dịch truyền thông tăng cường nhận thức, kỹ năng của trẻ em, gia đình, cộng đồng về chung tay bảo vệ trẻ em; thông báo, tố giác các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em, bóc lột sức lao động trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt phòng, chống đuối nước, tai nạn giao thông, rơi, ngã tại các khu chung cư, nhà cao tầng…; tăng cường tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm đến tâm sinh lý, sức khỏe tâm thần của trẻ em, giám sát, hỗ trợ trẻ em. Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và đến từng gia đình, cộng đồng dân cư về các thông điệp của Tháng hành động vì trẻ em, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), đường dây nóng về dịch vụ trợ giúp khẩn cấp của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội (0433 525662/0912902611) để thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em và các địa chỉ cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, an sinh xã hội tại địa phương. Sử dụng các sản phẩm, tài liệu truyền thông mẫu được đăng tải trên website của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (http://tongdai111.vn) và fanpage Truyền hình Vì Trẻ em VTV1. Truyền thông, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em và cung cấp kiến thức, hướng dẫn kỹ năng cho cha mẹ, những người chăm sóc trẻ, tập huấn kỹ năng sống cho trẻ em, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích, kỹ năng bảo vệ, phòng, chống xâm hại và đảm bảo an toàn cho trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh. Chỉ đạo các nhà trường quan tâm việc giáo dục kỹ năng sống, nắm bắt tâm lý, sức khỏe tâm thần của trẻ; chú trọng công tác tư vấn và phổ biến cho học sinh về phòng, chống tai nạn, thương tích trước kỳ nghỉ hè. Tổ chức tọa đàm, các hoạt động sáng kiến, hội thi nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quyền trẻ em, đưa ra các giải pháp bảo vệ an toàn cho trẻ em tại gia đình, trường học, cơ sở trợ giúp trẻ em, cộng đồng… khi thiên tai, dịch bệnh, phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. 

Bên cạnh đó, các địa phương thường xuyên rà soát, quản lý trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng để có giải pháp ngăn ngừa, trợ giúp kịp thời tại cộng đồng. Tập trung giải quyết, can thiệp, hỗ trợ kịp thời trẻ em bị bạo lực, xâm hại, vi phạm quyền trẻ em trên địa bàn, đồng thời xem xét kết luận, kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các đối tượng vi phạm, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ sở giáo dục, cơ sở trợ giúp trẻ em... trong việc chậm trễ, thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, bao che hành vi, vụ việc vi phạm quyền trẻ em. 

Các đơn vị chú trọng tổ chức các hoạt động bằng các hình thức phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em" nhằm tạo cơ hội cho trẻ em được bày tỏ ý kiến, trình bày quan điểm, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em. Bên cạnh đó, cung cấp kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ, nhất là kiến thức phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng, chống dịch bệnh Covid-19...

Trong "Tháng hành động vì trẻ em", quận sẽ tập trung tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà, trao học bổng… cho trẻ em có thành tích học tập và rèn luyện, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em, trẻ em sống trong hộ cận nghèo, trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Bên cạnh đó tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, giao lưu… với nội dung bổ ích, hình thức phong phú, phù hợp với nhu cầu của trẻ, tình hình thực tế của địa phương và diễn biễn của dịch Covid-19. Định hướng, giáo dục trẻ em giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu có chọn lọc văn hóa hiện đại, không tham gia vào các tệ nạn xã hội. 

Tăng cường xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế hỗ trợ cho trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ rơi vàọ hoàn cảnh đặc biệt nói riêng; đầu tư xây dựng các cộng trình phúc lợi, cơ sở vật chất hoặc nâng cấp các công trình trường, lớp học, nhà bán trú, bể bơi, trang thiết bị vui chơi giải trí, sân chơi cho trẻ em tại cộng đồng. Biểu dương, động viên các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia và có nhiều thành tích nổi bật trong Tháng hành động vì trẻ em. Đồng thời nhắc nhở, chấn chỉnh các đơn vị, địa phương chưa nghiêm túc triển khai, thực hiện Tháng hành động vì trẻ em; rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện những năm tiếp theo. 

 

Nguồn: 

Cổng thông tin điện tử quận Hà Đông

Viết bình luận

Xem thêm tin tức