Triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021
Sáng 15/9, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý dự và chỉ đạo hội nghị.
Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý chỉ đạo tại hội nghị
Hoàn thành 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ GD&ĐT, UBND thành phố, ngành Giáo dục Hà Nội đã có chuyển biến mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng. Với tinh thần "Tạm dừng đến trường, không dừng việc học", toàn ngành vẫn bảo đảm tiến độ và duy trì vững chắc chất lượng giáo dục, hoàn thành tốt 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản.
Cụ thể, năm học 2019-2020, quy mô mạng lưới trường, lớp của ngành GD&ĐT được mở rộng và không ngừng phát triển, đứng đầu cả nước với 2.748 trường mầm non, phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp (tăng 37 trường so với cùng kỳ năm học 2018-2019), với 60.431 lớp, nhóm lớp, 2.044.006 học sinh. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học trong các nhà trường được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ và hiện đại.
Chất lượng giáo dục toàn diện; chất lượng giáo dục mũi nhọn có chuyển biến mạnh mẽ và rõ nét. Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu, giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 99,17%, tăng 2,99% so với năm 2019; có số điểm 10 nhiều nhất cả nước; số trường có học sinh tốt nghiệp 100% tăng; điểm tuyển sinh đại học cao với 90,72% thí sinh đăng ký đạt từ 15 điểm trở lên, gần 2.100 học sinh đạt từ 27 điểm trở lên.
Ngành đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia năm 2019, vượt chỉ tiêu 21 trường, đạt 121% kế hoạch (121/100 trường). Ứng dụng CNTT trong công tác tuyển sinh đầu cấp và quản lý học sinh được chú trọng đẩy mạnh, tiến tới đồng bộ hóa dữ liệu. Đáng chú ý, năm học vừa qua, ngành GD&ĐT Hà Nội đã triển khai hiệu quả các điều kiện bảo đảm an toàn cho học sinh đi học trở lại sau đại dịch Covid-19. Tổ chức dạy học qua Internet, truyền hình, chia sẻ nội dung dạy học trên truyền hình cho 12 tỉnh. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên được tăng cường, đảm bảo chất lượng chuyên môn và năng lực sư phạm. Triển khai có hiệu quả chương trình trao trợ cấp cho giáo viên, tặng máy tính cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Quyết tâm giữ vững thành tích, khẳng định vị trí dẫn đầu
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Ngô Văn Quý đánh giá, năm học 2019-2020, ngành GD&ĐT đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự nghiệp phát triển giáo dục của Thủ đô và đất nước. Nhằm tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập, trong năm học 2020-2021, UBND Thành phố đề nghị Sở GD&ĐT phát huy nội lực và tranh thủ ngoại lực để phát triển nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô. Quyết tâm giữ vững thành tích của ngành GD&ĐT Thủ đô, khẳng định vị trí dẫn đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, xây dựng được nhiều mô hình mới về GD&ĐT, các gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực giáo dục để nhân rộng trong toàn ngành.
Tiếp tục quan tâm, đầu tư, xây dựng đảm bảo đủ trường lớp kể cả các khu đô thị mới, nâng cao số lượng, chất lượng các trường đạt chuẩn quốc gia. Đảm bảo đủ 100% trường học có nhà vệ sinh, cây xanh, tạo dựng môi trường sư phạm tốt, trường học an toàn, thân thiện. Đặc biệt, tập trung rà soát cơ sở vật chất trường, lớp học để đánh giá lại chất lượng các công trình trong nhà trường nhất là trong mùa mưa bão, lập kế hoạch cải tạo, sửa chữa để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.
Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố đề nghị ngành chú trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường học, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nhà giáo, góp phần thực hiện tốt việc đổi mới giáo dục, đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Rà soát hệ thống giáo dục ngoài công lập, các trường tư thục trên toàn Thành phố, đảm bảo quản lý giáo dục theo đúng quy định. Đổi mới công tác kiểm định, công bố công khai trên hệ thống thông tin về kết quả kiểm định, chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập…
Song song với việc nâng cao chất lượng đại trà, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đề nghị ngành chú trọng vào công tác bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; triển khai có hiệu quả việc hội nhập quốc tế về giáo dục. Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc thí điểm đào tạo chương trình song bằng tại các trường trên địa bàn thành phố.
Đồng chí đặc biệt đề nghị ngành đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, nhất là trong đổi mới phương pháp dạy và học gắn với việc xây dựng trường học điện tử; tuyển sinh đầu cấp, chương trình giáo dục, công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học sinh. Ngoài ra, thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống tai nạn thương tích và phòng chống dịch bệnh trong trường học; xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy trình đưa đón học sinh bằng ô tô; tăng cường kết nối giữa nhà trường và gia đình trong công tác quản lý học sinh…Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao vai trò giám sát của thanh tra nhân dân, công đoàn tại các cơ sở giáo dục; kiên quyết xử lý các đơn vị, cá nhân sai phạm về công tác quản lý điều hành, thu chi tài chính, vi phạm đạo đức nhà giáo.
Phó Chủ tịch UBND thành phố tin tưởng, ngành GD&ĐT sẽ tiếp tục có những bước phát triển mới, có nhiều thành tích xuất sắc, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân Thủ đô thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.
Nguồn:
Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội
Viết bình luận