1. Viêm kết mạc là gì?
Viêm kết mạc, còn được gọi là đau mắt đỏ, là một tình trạng phổ biến trong đó lớp màng bảo vệ mí mắt và bao phủ bề mặt bên ngoài của mắt, được gọi là kết mạc, bị viêm.
Viêm kết mạc khiến mắt xuất hiện ban đỏ thứ phát sau sự giãn nở của các mạch máu và thường đi kèm với tăng tiết nước mắt và / hoặc tiết dịch nhầy.
Ba nguyên nhân phổ biến nhất của viêm kết mạc là do virus, dị ứng và vi khuẩn. Viêm kết mạc do vi khuẩn và virus rất dễ lây lan từ người này sang người khác.
Cần phân biệt viêm kết mạc với các bệnh mắt đe dọa đến thị giác khác có biểu hiện lâm sàng tương tự để đưa ra quyết định điều trị phù hợp.
2. Thuốc điều trị viêm kết mạc
Một số loại thuốc, như nước mắt nhân tạo và thuốc kháng histamine, có thể được sử dụng để giảm triệu chứng.
Những loại khác, như kháng sinh hoặc steroid, là thuốc kê đơn và có thể được sử dụng cho các trường hợp viêm kết mạc nghiêm trọng hơn. Tùy thuốc vào nguyên nhân gây bệnh cũng như các triệu chứng, bác sĩ nhãn khoa sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp.
2.1 Nước mắt nhân tạo
Để giảm tình trạng khô do viêm kết mạc do virus, vi khuẩn và dị ứng, hoặc viêm kết mạc do kích ứng hóa chất, bác sĩ có thể khuyên dùng nước mắt nhân tạo. Nước mắt nhân tạo cũng giúp loại bỏ các chất gây dị ứng gây viêm kết mạc.
2.2 Thuốc kháng sinh
Đối với viêm kết mạc do vi khuẩn, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bác sĩ nhãn khoa có thể kê đơn thuốc kháng sinh, thường được dùng tại chỗ dưới dạng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ.
Thuốc kháng sinh có thể giúp rút ngắn thời gian nhiễm trùng, giảm biến chứng và giảm lây lan sang người khác.
Ciprofloxacin, erythromycin, tobramycin và ofloxacin là những loại kháng sinh thường được sử dụng cho bệnh viêm kết mạc do vi khuẩn. Liều lượng phụ thuộc vào tình trạng và loại kháng sinh mà bác sĩ kê đơn.
Thuốc kháng sinh được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Có tiết dịch mủ
- Viêm kết mạc xảy ra ở những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương
- Tình trạng nhiễm trùng không thuyên giảm...
Thông thường, bệnh nhân sẽ hồi phục nhanh, nhưng điều quan trọng là phải hoàn thành việc điều trị kháng sinh theo quy định. Thuốc kháng sinh thường được dung nạp tốt, nhưng có thể gây kích ứng mắt, ngứa hoặc đỏ thêm.
Thuốc kháng sinh không điều trị viêm kết mạc do virus hoặc do dị ứng.
2.3 Thuốc kháng histamine
Đây là nhóm thuốc được sử dụng cho bệnh viêm kết mạc dị ứng. Thuốc kháng histamine ngăn chặn hoạt động của histamine, một chất hóa học được tạo ra khi cơ thể phát hiện ra chất gây dị ứng, giúp ngăn ngừa viêm, ngứa và khó chịu. Thuốc kháng histamine thường được dung nạp tốt nhưng có thể góp phần gây khô mắt.
2.4 Thuốc chống viêm NSAID
Thuốc chống viêm không steroid, còn được gọi là NSAID làm giảm viêm và mẩn đỏ, cũng như ngứa.
2.5 Corticosteroid
Đối với tình trạng viêm kết mạc nặng, thường do chấn thương, do hóa chất, bác sĩ có thể kê đơn corticosteroid tại chỗ như một phương pháp điều trị ngắn hạn. Corticosteroid có thể làm giảm tình trạng viêm ở mắt.
Mặc dù thuốc có hiệu quả, nhưng có thể có các tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm mờ mắt, tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể.
Những loại thuốc này chỉ nên được sử dụng khi có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ.
3. Làm gì để hạn chế lây lan và nguy cơ tái nhiễm?
Viêm kết mạc do virus và vi khuẩn có thể lây lan từ người này sang người khác. Hãy làm theo những lời khuyên sau để hạn chế lây nhiễm cho người khác và hạn chế nguy cơ tái nhiễm cho chính mình:
- Dùng khăn sạch lau mặt và mắt.
- Rửa tay thường xuyên.
- Không chạm vào mắt.
- Không trang điểm mắt khi mắt đang bị nhiễm trùng và không dùng chung đồ trang điểm mắt với người khác.
- Nếu đeo kính áp tròng cần đảm bảo làm sạch kính áp tròng chính xác như bác sĩ nhãn khoa khuyến nghị.
Viết bình luận