Triển vọng mới trong sản xuất rau an toàn ở phường Đồng Mai
Phường Đồng Mai nằm ven sông Đáy, từ lâu được biết đến là địa phương có diện tích đất trồng hoa màu lớn của quận Hà Đông. Những năm qua, dù được quan tâm, triển khai nhiều mồ hình nhằm đẩy mạnh ưu thế về trồng rau song Đồng Mai vẫn chưa bứt phá được để phát triển. Tháng 8/2020, Tổ sản xuất rau an toàn Đồng Hoàng ra đời, đây được kỳ vọng là triển vọng mới trong sản xuất rau an toàn ở Đồng Mai.
Mô hình trồng cà chua an toàn ở Đồng Hoàng.
Biến ý tưởng thành thực tiễn
Phường Đồng Mai có tổng diện tích đất trồng rau màu 68,6ha. Những năm qua, người dân nơi đây vẫn có thói quen sản xuất rau theo phong tục tập quán cũ và dựa chủ yếu vào kinh nghiệm. Sau khi Đồng Mai sáp nhập về Hà Đông, Đảng ủy-UBND phường phường xác định, nông nghiệp phải được quan tâm hàng đầu, trong đó, thay đổi cơ cấu mùa vụ là nhiệm vụ then chốt, tập trung xây dựng các phương án sản xuất, luân canh cây trồng hợp lý để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Các chương trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thường xuyên được triển khai như mở các lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp thu hút được đông đảo nông dân tham gia… Tuy nhiên, trái với kỳ vọng Đồng Mai vẫn không đưa sản xuất nông nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn phường ngày càng bị thu hẹp, thậm chí nhiều diện tích đất xen kẹp không canh tác được.
Trăn trở trước thực tế, ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND phường đã mạnh dạn tìm hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp địa phương, đặc biệt là sản xuất rau và rau an toàn là phương án được ông lựa chọn. Sau khi có ý tưởng, ông bàn bạc với tổ trưởng các TDP còn nhiều diện tích đất trồng rau và được các đồng chí tổ trưởng hưởng ứng. Được sự đồng ý của phòng Kinh tế quận Hà Đông, ông Hoàn đã bố trí một buổi để lấy ý kiến của nhân dân, những gia đình có diện tích đất trồng rau về việc chuyển đổi phương pháp từ sản xuất truyền thống sang sản xuất theo khoa học kỹ thuật. Ông Hoàn cho biết, khó khăn nhất là tuyên truyền, vận động để người dân thấy được lợi ích của việc chuyển đổi phương pháp canh tác bởi người dân đã quen với việc canh tác theo tập quán cũ. Ông cũng cho biết, đối với những hộ gia đình còn lăn tăn trong công tác chuyển đổi, ông cùng với tổ trưởng TDP phải đến tận nhà tuyên truyền, giải thích những thắc mắc của hộ gia đình từ đó thu hút họ tham gia mô hình. Mặc dù vậy, ông cũng cho biết, khi nhân dân đã ủng hộ, thuận lợi nhất đối với việc chuyển đổi mô hình này là người dân sẵn có cơ sở vật chất như hệ thống nước tưới, nhà lưới…
Bắp cải được trồng theo tiêu chuẩn VietGap.
Sau khi tuyên truyền, vận động đối với những tổ nào có nhiều gia đình đăng ký tham gia, phường sẽ báo cáo và xin ý kiến của quận Hà Đông, các phòng ban chuyên môn để chuyển đổi mô hình. Tổ sản xuất rau an toàn Đồng Hoàng được ra đời trên cơ sở chuyển đổi mô hình sản xuất của nhân dân tổ dân phố 15, 16, 17 phường Đồng Mai.
Hiện tại, Tổ sản xuất rau an toàn Đồng Hoàng có 37 thành viên tham gia với diện tích trồng 1,725ha; trồng các loại rau chủ yếu như rau ăn lá (cải mơ, cải ngồng, cải bắp, cải thảo, cải ngọt, cải bẹ, hành lá); rau ăn quả (cà chua); rau ăn thân (su hào) và rau ăn hoa (súp lơ). Rau được trồng theo hướng nông nghiệp VietGAP; tiêu chuẩn TCVN 11892-1: 2017.
Hướng tới quy trình canh tác khép kín
Ông Trần Văn Thạch, TDP 17 phường Đồng Mai là một trong những hộ đăng ký chuyển đổi mô hình canh tác sớm cho biết ông rất phấn khởi khi tham gia Tổ sản xuất rau an toàn. Gia đình ông có 500m2 đất trồng rau màu chủ yếu trồng su hào, bắp cải, cải mơ; sau 2 tháng thực hiện mô hình mới, mặc dù phải ghi chép cẩn thận về quá trình trồng rau, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định song ông ông thấy việc thay đổi phương pháp canh tác trước hết là giúp cho môi trường trong sạch hơn; đảm bảo sức khỏe cho chính người trồng (trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật) sau là đảm bảo sức khỏe, an toàn thực phẩm cho chính người sử dụng.
Tổ sản xuất rau an toàn Đồng Hoàng được chia làm 5 nhóm sản xuất, mỗi nhóm có một tổ trưởng để kiểm tra chéo các tổ khác trong việc áp dụng quy trình sản xuất. Đặc biệt, Rau theo tiêu chuẩn Vietgap đòi hỏi đáp ứng 4 tiêu chí sản xuất rau khắt khe, gồm tiêu chí về kỹ thuật sản xuất, nghĩa là phải đáp ứng được những tiêu chuẩn về phương pháp canh tác, thu hoạch cũng như những tiêu chuẩn về hạt giống (trồng trọt), nguồn nước, nguồn đất; Tiêu chí về môi trường làm việc, phải được có đầy đủ tiêu chuẩn cần thiết để bảo vệ tốt nhất cho người lao động về sức khỏe; Tiêu chí về an toàn thực phẩm, trong toàn bộ khâu canh tác, tổ chức phải đảm bảo thực phẩm không bị ô nhiễm, nghĩa là không được sử dụng các chất bảo quản, dư lượng kháng sinh và Tiêu chí về nguồn gốc sản phẩm, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP phải có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo về chất lượng cũng như giúp cho việc kiểm tra xuất xứ sản phẩm của cơ quan quản lý và khách được dễ dàng hơn. Đồng thời, sau khi thu hoạch sản phẩm, các công ty thu mua sản phẩm sẽ test nhanh chất lượng.
Lãnh đạo phòng Kinh tế quận và phường thẩm định quy trình trồng RAT ở Đồng Mai.
Để hỗ trợ tổ sản xuất rau an toàn Đồng Hoàng trong khâu buôn bán và vận chuyển sản phẩm, theo ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND phường, phường Đồng Mai đã có kế hoạch và giao cho các hội đoàn thể hỗ trợ như thành lập lực lượng bán hàng do Hội LHPN phường phụ trách; thành lập đội giao hàng do Đoàn thanh niên phường phụ trách. Các hội đoàn thể đều có kế hoạch tuyên truyền, vận động hội viên tham gia cùng chung tay để tổ sản xuất rau an toàn phát triển; đặc biệt là ứng dụng việc bán hàng online; dần dần sẽ thành một quy trình khép kìn từ người sản xuất- cung cấp- bán hàng- giao hàng đến người tiêu dùng.
Sau 2 tháng áp dụng quy trình sản xuất mới bước đầu đã có hiệu quả, thu nhập từ việc sản xuất rau an toàn đã cơ bản đáp ứng được cuộc sống của các gia đình trong Tổ sản xuất rau. Nhưng với họ, cái được lớn nhất là rau sạch, rau an toàn thực phẩm đến được với người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Hoàn cho biết, trong thời gian tới, phường sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân để mở rộng mô hình sản xuất rau an toàn và lâu dài sẽ vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất nông nghiệp Đồng Mai hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao. Mặc dù vậy, ông cũng mong muốn tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ về kỹ thuật, cơ sở hạ tầng và về cả đầu ra cho sản phẩm rau an toàn Đồng Mai.
Tổ sản xuất rau an toàn Đồng Hoàng là một tương lai mới, hướng đi mới, đúng đắn cho sản xuất nông nghiệp Đồng Mai nói chung, rau màu Đồng Mai nói riêng. Hy vọng đây sẽ là triển vọng mới cho sản xuất rau an toàn trên địa bàn quận Hà Đông.
Viết bình luận