Cụm di tích Đình - Chùa Đồng Hoàng

Cụm di tích Đình - Chùa Đồng Hoàng

Làng Đồng Hoàng phường Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội có một cụm di tích là ngôi Đình và ngôi Chùa làng, di tích được gọi theo tên thôn là đình Đồng Hoàng và Chùa Đồng Hoàng, Chùa còn có tên chữ là " Phúc Lâm Tự".

Từ trung tâm quận Hà Đông theo đường Quốc lộ 6A khoảng 5km rẽ  trái vào  Đê Đáy khoảng 2km là tới cụm di tích Đình - Chùa Đồng Hoàng nằm ở phía Đông Nam của phường Đồng Mai, đường đi lại giao thông rất thuận tiện.

I.ĐÌNH ĐỒNG HOÀNG

Qua điền dã khảo sát, căn cứ vào các dấu tích, vật chất thì ngôi Đình Đồng Hoàng, phường Đồng Mai được xây dựng vào thế kỷ XVII, hướng đình nhìn về phía Tây, trước mặt là con Đê và dòng sông Đáy, đình được xây dựng  trên nền đất rộng đẹp linh thiêng, tại tờ bản đồ số 13, thửa 36, diện tích 755 m2.

  Đình Đồng Hoàng qua thời gian, do ảnh hưởng của thời tiết khí hậu, chiến tranh nên một số hạng mục kiến trúc của Đình đã bị hư hỏng , xuống cấp và được tu sửa ở thời Nguyễn, triều vua Duy Tân thất niên (1913). Đến năm 2012 Đình Đồng Hoàng được các cấp có thẩm quyền cho đầu tư tu bổ khang trang như hiện nay  gồm các hạng mục: Nghi môn được làm theo kiểu nghi môn trụ truyền thống, sân đình được lát gạch bát rộng rãi và có nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát, bên cạnh có Giếng cổ phong thủy tạo nên cảnh quan hài hòa, tiếp đến là 5 gian đại bái được trạm trổ, bài trí đồ thờ trật tự, tôn nghiêm, sau đến là gác chuông uy nghi tám mái, tả mạc, hữu mạc, hai dãy nhà bia, hậu cung của Đình có xây bệ thờ  tam cấp làm nơi bài trí long ngai bài vị Thành hoàng làng.

Căn cứ vào cuốn thần phả của  Đình Đồng Hoàng phường Đồng Mai  và các tư liệu khác được lưu truyền đình Đồng Hoàng  thờ vị thành hoàng làng là Đại Đức Vương Bản cảnh thành hoàng làng Hoàng Khắc Minh. Truyền kể về ngài khá phong phú, song có thể tóm tắt như sau:

Đại Đức Vương Hoàng Khắc Minh có tên chữ là Hòa Tĩnh, tên hiệu là Thủy Hiên tiên sinh, ngài làm quan đời vua Lê Thánh Tông, Ngài sinh năm Quý Dậu (1453) trong một gia đình dòng dõi nho giáo, quê ở làng Huyền Khê, sau đổi thành Huyền Sỹ, sau lại đổi thành Đan Sỹ thuộc Trung Thanh Oai, huyện Thanh Oai nay là Làng Đa Sỹ, phường Kiến Hưng - Hà Đông - Hà Nội. Ngài là cháu đích tôn của Hoàng tử đệ tam túc Hoàng Trình Thanh một danh nhân có đức nghiệp lớn của nước ta thời Lê Sơ, ngài có thiên chất thông minh, cha mất sớm nên ở với ông nội từ thủa ấu thơ, năm 32 tuổi vào đời Lê Thánh Tông - Niên hiệu Hồng Đức 15

 ( Giáp Thìn 1484) Ngài đã dự thi và trúng tuyển Đệ Tam Giáp Đồng Tiến Sỹ Xuất Thân. Ngài được Lê Thánh Tông tin dùng và thường xuyên đi sứ, kiểm tra các địa phương trong nước, ngài là một vị đức thánh hiền phò vua, giúp dân giúp nước, ngài đã quy tiên hóa vào giờ Thìn ngày 12 tháng Chạp năm Giáp Ngọ 1534, thọ 82 tuổi, sau khi ngài qua đời nhân dân của nhiều làng đã làm lễ yết xin cung thỉnh hành trạng và duệ hiệu của ngài về thờ phụng tôn thờ là thành hoàng làng trong đó có Đình làng Đồng Hoàng là một ngôi đình không lớn nhưng có khuôn viên gọn gàng, và cảnh quan hài hòa sạch đẹp, trong đình còn bảo lưu được nhiều di vật quý hiếm, rất có giá trị trong nghiên cứu văn hóa, đình Đồng Hoàng được tồn tại nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng dân làng.

          Lễ hội làng Đồng Hoàng được tổ chức hàng năm vào dịp đầu Xuân từ ngày 10 đến hết ngày 13 tháng Giêng âm lịch, dân làng có tổ chức họp bàn phân công nhiệm vụ cho  các thành viên và long trọng  mở cửa đình rước kiệu bát cống, long đình tới Quán hạ xin rước chân nhang về bản đình để thờ phụng tế yết. Ngoài ra trong một năm ở làng còn có các ngày lễ khác như kỷ niệm ngày hóa của thành hoàng làng vào 12 tháng Chạp có cúng lễ xôi, chuối, oản, quả, ngày 3/3 cúng bánh trôi, bánh chay... lễ Hạ điền vào 27/5 cúng thần nông tại cánh đồng làng cầu cho mùa màng tươi tốt bội thu, mưa thuận gió hòa, dân làng an yên cùng hưởng phúc lộc.

Đình Đồng Hoàng  là kiến trúc dân gian truyền thống Việt Nam, ngày 31/12/2003  Đình được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật cấp Tỉnh, đình thờ Thành Hoàng làng trong suốt thời gian tồn tại của mình ngôi Đình đã góp phần đáng kể trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và di dưỡng lòng nhân ái, tình yêu quê hương, đồng loại cho nhân dân địa phương .

 Cán bộ và nhân dân phường Đồng Mai sẽ tiếp tục  phát huy những giá trị lịch sử văn hóa tốt đẹp và gìn giữ bảo tồn cũng như  lưu truyền, giáo dục cho các thế hệ mai sau về ý nghĩa tầm quan trọng của cụm di tích lịch sử văn hóa  Đình - Chùa Đồng Hoàng.

II. CHÙA ĐỒNG HOÀNG (Phúc Lâm Tự)

Làng Đồng Hoàng phường Đồng Mai là một làng Việt Cổ có từ xa xưa, cùng với việc tụ cư lập làng, hệ thống tôn giáo cũng sớm được hình thành xây dựng để đáp ứng nhu cầu tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng của đông đảo  cộng đồng dân cư làng xã, đồng thời bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ngôi Chùa Đồng Hoàng hiện nay nằm ở phía Đông Nam của phường Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội. Ngôi chùa nằm trong cụm di tích Đình - Chùa Đồng Hoàng  ngày 31/12/2003 được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật  cấp Tỉnh,  ngôi Chùa Đồng Hoàng (Phúc Lâm Tự) qua tư liệu Hán Nôm cùng các tư liệu điền dã thì chùa Đồng Hoàng được xây dựng từ xa xưa vào khoảng thế kỷ thứ XVII, trên nền đất cao ráo sạch đẹp và linh thiêng, chùa nhìn về hướng Tây- Nam hướng của Phật pháp ổn định, hợp với sự vận hành của âm dương vũ trụ, khiến cho thần phật không thể rời bỏ nghĩa vụcủa mình với chúng sinh. Phía trước chùa là con Đê và dòng sông Đáy, bên tả là Giếng cổ, bên Hữu là ao làng. Chùa nằm tại vị trí thửa số 187;186 và 183 , tờ bản đồ số 12-13 , diện tích 811 m2, ngôi chùa đã qua nhiều lần được tu sửa nhưng hiện nay chùa vẫn còn giữ được nét cổ kính của ngôi chùa cổ.

Chùa Đồng Hoàng gồm có các hạng mục công trình : Tam quan, Chùa chính kết cấu theo kiểu chữ Đinh gồm: Tiền đường và Thượng điện ngoài ra Chùa còn có nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách, nhà Bia cổ, các công trình phụ, hệ thống sân, vườn cây ăn quả, khuôn viên chùa có nhiều cây cổ thụ quanh năm che bóng mát cho Chùa,  tường đươc xây cao bảo vệ vây quanh chùa. Bên trong Chùa khu Thượng điện Tượng phật rất đa dạng, phong phú, quý hiếm, hệ thống tượng tròn ở đây được làm từ gỗ và đất luyện, có niên đại ra đời trải dài từ thế kỷ XVIII cho đến nay. Các Tượng phật trong chùa  được bài trí sắp xếp trình tự, tầng lớp phù hợp đúng với quy định của Phật pháp.

Ngày 15 và ngày mùng 1 Âm lịch hàng tháng, các dịp lễ, tết... dân làng Đồng Hoàng thường dâng lễ tới chùa để cúng và chiêm bái cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu bình an...các ngày thường sư trụ trì và các già vãi thường thỉnh chuông, gõ mõ tụng kinh niệm phật.

Chùa Đồng Hoàng chỉ là một ngôi chùa làng, nhưng di tích vẫn có giá trị nhiều mặt của một kiến trúc Phật giáo truyền thống. ngôi chùa đã đem lại một vị trí đáng kể trong kho tàng di sản văn hóa quê hương. Di tích chùa Đồng Hoàng  là di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị nhiều mặt, đã và đang góp phần tích cực vào cuộc sống hiện tại. Nhân dân ở đây vẫn nhớ câu: Đất vua - Chùa dân - Phong cảnh Phật. Đặc biệt ngôi chùa làng được khởi dựng lên với mục đích cao cả của Phật từ bi, bác ái, khuyến tâm thiện và trừ bỏ ác.

Trong điều kiện hiện nay sự cần thiết sử dụng Chùa là một trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương, kết hợp với việc sinh hoạt, hội họp, tụng kinh, giảng pháp để giáo dục truyền thống nhân văn, lòng từ bi, hỷ xả hướng thiện cho mọi người dân và  các thế hệ mai sau là điều nên làm.

Di tích chùa Đồng Hoàng luôn được sự quan tâm, chăm lo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân làng Đồng Hoàng về việc xã hội hóa, công đức tu bổ, sửa chữa, gìn giữ, chùa được chính quyền giao cho ban Bảo vệ di tích Đình - Chùa Đồng Hoàng, hai giới các cụ người cao tuổi, nhà sư trụ trì cùng nhân dân trực tiếp trông nom, bảo vệ, phát huy tác dụng di tích một cách hiệu quả nhất.

 

Thực hiện: 

Bộ phận Văn hóa thông tin

Viết bình luận

Xem thêm tin tức