Di tích Đình Nhân đạo

Di tích Đình Nhân đạo

I. TÊN GỌI DI TÍCH:

          - Tên thường gọi: Đình Nhân Đạo

          - Đình xưa kia còn được gọi là: Đình Đậu

II. VỊ TRÍ ĐƯỜNG ĐẾN:

          2.1. Vị trí:

          - Di tích: Đình  Nhân Đạo  - Tổ dân phố số 6, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

          * Các lần thay đổi địa danh hành chính:

          -  Trước năm 1947, Đình  thuộc làng Nhân đạo, xã Mai Lĩnh, thuộc tổng Đồng Dương, huyện Thanh Oai, Phủ Ứng Thiên, Trấn Sơn Nam Thượng.

          -  Năm 1948, Đình  thuộc làng Nhân Đạo, xã Đồng Mai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây

          - Năm 2006,  Đình  thuộc thôn Nhân Đạo, xã Đồng Mai, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây.

          - Năm 2009 đến nay, Đình Nhân Đạo thuộc tổ dân phố 6, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

          2.2. Đường đi đến:

          * Đường bộ:

          - Hướng đi từ Hà Đông - Hòa Bình trên tuyến Quốc lộ 6 A đến km 17 + 900 rẽ trái vào đường Đê Tả Đáy đi khoảng 500m,  đến địa phận tổ dân phố 6, phường Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội là tới Đình Nhân Đạo.

          III. SỰ KIỆN NHÂN VẬT VÀ LỊCH SỬ:

          Theo lời kể của các cụ cao niên như cụ: Trần Đình Đức - sinh năm 1933,

 (Tổ 6) Cụ Trần Văn Chúc  - sinh năm 1930 (Tổ 15).

          Trong  những năm đầu, Đình  Nhân Đạo (xưa kia còn gọi là Đình Đậu) được dựng lên rất đơn sơ nhưng đã có địa thế đẹp, hữu tình, rộng rãi nhìn ra sông Đáy, hướng Tây Nam,  trên diện tích đất khoảng  850 m2, do nhân dân trong làng Nhân Đạo hiến cúng quyên góp xây dựng đình.

Từ năm 1930 – 1945,  Đình là nơi tổ chức các nghi lễ tín ngưỡng  bình thường và tại nơi này đã trở thành nơi hội họp của dân làng.

Vào khoảng những năm từ 1939 - 1940,  Đình  Nhân Đạo  là nơi thành lập chi bộ Đảng Mai Lĩnh đầu tiên.

Trong  thời kỳ chiến tranh  Đình Nhân Đạo còn  là nơi sản xuất sản xuất Bom Ba  càng  của quân và dân ta,  để sử dụng cho việc chiến đấu chống Thực dân Pháp xâm lược lúc bấy giờ.

Đến năm 1946 thực hiện phục vụ cho chiến tranh là tiêu thổ kháng chiến để chống Thực dân Pháp xâm lược, Đình Nhân Đạo đã bị đốt cháy gần hết.

Sau năm 1954 Đình Nhân Đạo có thời gian là kho chứa lương thực, thực phẩm,  hàng hóa  và là cửa hàng Mậu dịch phân phát, mua bán hàng hoá theo tem phiếu cho nhân dân trên địa bàn.

Vào khoảng năm 1965 - 1970 Đình Nhân Đạo còn là nơi làm trụ sở hành chính của Xã Đồng Mai, huyện Thanh Oai.

- Do chiến tranh, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, đình đã bị xuống cấp hư hỏng nhiều lần. Năm 2002 nhân dân địa phương tự  nguyện đóng góp tiền, công sức để tu sửa được như hiện nay.

IV. LOẠI HÌNH DI TÍCH:

           Di tích lịch sử văn hóa.

V. KHẢO TẢ DI TÍCH:

          5.1. Tổng quát:

          Đình Nhân Đạo, phía Đông giáp đường đi dân sinh của tổ dân phố, phía Tây giáp đường Đê Tả Đáy, phía Nam giáp dốc lên đường Đê Tả Đáy, phía Bắc giáp sườn Đê Đáy và đường đi.

          Đình Nhân Đạo là một công trình di tích lịch sử văn hóa. Ngôi đình mang dáng dấp của ngôi đình làng Bắc Bộ. Đình xây dựng theo kiểu Mái đao 3 gian, 02 dĩ . Mái đình lợp ngói âm dương, nền lát gạch bát nung, nền  cao ráo, sạch sẽ, vững chãi thoáng mát. Mặt tiền của đình hướng ra sông Đáy.

          *Từ Đê Đáy nhìn vào, quần thể kiến trúc bao gồm:

          - Nghi Môn được  đắp vẽ hoa văn, rồng bay, phượng múa, có 01 cửa chính và 02 cửa phụ.

          - Sân đình được lát gạch bát đỏ nung cao cấp.

          - Phía bên phải  đình: Có nhà bia tưởng niệm các anh hùng Liệt sỹ của làng Nhân đạo qua các thời kỳ.

 - Nhà Hữu vu 03 gian lợp ngói giếng đáy.

          - Bên trái  đình: có Nhà bia. hiện vẫn còn lưu giữ 04 bia cổ.

          - Nhà Đại Bái  gồm: 3 gian, 02 dĩ, mái đao .

          - Hậu cung.

          - Đình được xây tường gạch xi măng bao quanh kiên cố.

          Nội thất ngôi đình được xây dựng bởi một hệ thống các gian nhà nối liền nhau, có nhiều cột  bằng  gỗ. Trên các vì kèo, được điêu khắc hoa văn “mai, lan, cúc trúc”, dây lá, chữ triện, đầu kèo có hoa văn mây, đầu rồng, Bộ cửa võng,  hoành phi câu đối, các bài trí đồ thờ chấp kích, bát bửu hài hòa, sạch đẹp, trang nghiêm.   

VI. CÁC HIỆN VẬT TRONG DI TÍCH

- Đình còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật, đồ thờ có giá trị, có 04 bia cổ.

- Có 04 bộ sắc phong qua các triều đại  phong kiến Việt Nam.

          VII. LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG

          - Hàng năm tại Đình Nhân Đạo diễn ra nhiều nghi lễ, đáp ứng  nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương như :

          + Ngày lễ thông  thường vào các ngày mùng 01 và  15 Âm lịch hàng tháng.

          + Ngày lễ trọng đại nhất trong năm là lễ Hội truyền thống của làng Nhân đạo vào ngày 11 và 12 tháng Giêng hàng năm, và cứ các 5 năm vào những năm chẵn Đình sẽ tổ chức Đại đám, rước chung tới quán Thượng.

          VIII. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ- NGHỆ THUẬT- VĂN HÓA

          Đình  Nhân Đạo được xây dựng vào cuối thế kỷ XVII. Được các triều đại phong kiến Việt Nam ban 04  sắc phong.

Trải qua chiến tranh, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, đình đã bị xuống cấp hư hỏng nhiều lần và  đã được nhân dân tự nguyện đóng góp tiền, ngày công  để  tu sửa  tôn tạo. Đến năm 2012 đình đã được tu sửa lại như hiện nay.  Song Đình Nhân Đạo vẫn giữ được nét cổ kính riêng, tôn nghiêm của một ngôi đình làng truyền thống vùng quê Bắc bộ .

          Nhà Đại Bái  được xây dựng bởi hệ thống các gian nhà nối liền nhau 03 gian , 02 dĩ, hậu cung,  nhiều cột  bằng  gỗ  được chạm khắc tinh xảo hoa văn “mai, lan, cúc trúc”, dây lá, chữ triện, nhiều hoa văn, họa tiết đẹp, hài hòa,  cửa võng, bộ câu đối,.... cách bày trí đồ thờ tự  như  chấp kích , bát bửu ....phù hợp, vừa đẹp mắt, vừa trang nghiêm.

            Đình  Nhân Đạo được xây dựng trên diện tích đất khoảng  850 m2,

Hiện tại Đình Nhân Đạo đã được xây tường bao xung quanh, không có tranh chấp, chống lấn, vi phạm đến di tích.

          Đình Nhân Đạo  còn tồn tại đến ngày nay, là một công trình di tích văn hóa của các bậc tiền nhân đã dầy công tạo dựng, giữ gìn truyền thống dân tộc. Công trình di tích này rất cần được nghiên cứu, giữ gìn, tôn tạo và phát huy tác dụng.

          Đình Nhân Đạo còn là nơi tổ chức các hoạt động, nghi  lễ  đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng  của nhân dân địa phương như:

+ Ngày lễ thông  thường vào các ngày mùng 01 và  15 Âm lịch hàng tháng.

+ Ngày lễ trọng đại nhất trong năm là lễ Hội truyền thống của làng Nhân đạo diễn ra vào ngày 11 và 12 tháng Giêng hàng năm, và cứ các 5 năm vào những năm chẵn Đình sẽ tổ chức Đại đám, rước chung tới quán Thượng, đáp ứng được nhu cầu tự do tín ngưỡng của nhân dân địa phương.

IX. TÌNH TRẠNG BẢO QUẢN DI TÍCH

          Đình Nhân Đạo được chính quyền địa phương quan tâm, và nhân dân quanh vùng chung sức chăm lo, gìn giữ. Tuy nhiên, qua thời gian tồn tại di tích không tránh khỏi hư hao, xuống cấp. Đình đang bị hư dột nhiều chỗ, nhiều hoành phi, câu đối và một số hạng mục quan trọng cần được trùng tu, sửa chữa tôn tạo.

X. CƠ SỞ PHÁP LÝ BẢO VỆ DI TÍCH

          Đình Nhân Đạo nằm trong danh mục kiểm kê di tích năm  2015 của Bảo tàng Hà Nội Đình do Ban bảo vệ Di tích  tổ dân phố 6 trong coi; được chính quyền các cấp bảo vệ theo luật định Ban bảo vệ di tích  giữ gìn, sử dụng ,  tôn tạo và phát huy giá trị di tích.

XI. TÀI LIỆU THAM KHẢO

          - Cuốn lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân phường Đồng Mai (1930 -2010) do nhà xuất bản Lao động in ấn phát hành năm 2012.

Thực hiện: 

Bộ phận Văn hóa thông tin

Viết bình luận

Xem thêm tin tức