Di tích Đình Phúc Mậu

Di tích Đình Phúc Mậu

Đình làng Phúc Mậu, Ngôi đình được tọa lạc trên một vị trí thế đất đẹp, linh thiêng thuận lợi cho việc sinh hoạt văn hóa cộng đồng, Đình làng Phúc Mậu được  Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây ký cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số: 2713/QĐ- UBND ngày 19/01/2004. Đình Phúc Mậu được khởi dựng vào khoảng cuối thế kỷ thứ 18, Đình nằm về phía Bắc của làng, thuộc tổ dân phố 12-13 phường Đồng Mai, ngôi đình theo hướng Tây, cách trung tâm quận Hà Đông khoảng 6 km.  Đình có một quy mô kiến trúc đồ sộ, khang trang bề thế kiểu chữ CÔNG với các hạng mục công trình gồm: Nghi môn, Giếng đình, bức bình phong, tiếp đến là sân đình, Đại bái, sân lọng, nhà Tả mạc, Hữu mạc, trung cung và hậu cung, bên trong Đại bái và Hậu cung  nơi thờ tự trang nghiêm có nhiều cổ vật, hiện vật quý hiếm, ngoài ra trong khuôn viên di tích còn có khu vườn cây, Khu bia cổ, Hồ nước, các công trình phụ, tường bao quanh khuôn viên của di tích tạo nên một cảnh quan tôn nghiêm, hài hòa, phong thủy, môi trường trong sạch, thoáng mát, đảm bảo an toàn tôn nghiêm nơi thờ phụng vị thành hoàng làng.

Đình làng Phúc Mậu là di tích tín ngưỡng dân gian, thờ thành hoàng làng là Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư một danh tướng thời Trần,  giá trị nổi bật thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật tôn giáo dạng đình

Theo truyền thuyết lưu truyền, theo cuốn thần phả, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Đại Việt sử ký toàn thư  ghi lại sự tích vị thánh hoàng làng được thờ tại  Đình làng Phúc Mậu  là Đức Thiên Vương họ Trần tên hiệu là Khánh Dư, sau được phong sắc là Nhân Huệ Vương. 

Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư là danh tướng đời Trần Nhân Tông ông là con của Thượng tướng Trần Phó Duyệt, quê ở huyện Chí Linh (nay thuộc tỉnh Hải Dương). Thủa nhỏ ông say mê đọc sách, giỏi binh thư, thao lược thiên tư đĩnh ngộ, bộc lộ tài năng xuất chúng ngay từ bé, nên được vua Trần Thánh Tông nhận làm con nuôi. Khi lớn lên ông được phong làm Phiêu kỵ Đại tướng quân, tước Thượng vị hầu. Trong cuộc kháng chiến  chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ 3, ông được phong làm Phó tướng giao chỉ huy đạo quân thủy chiến phòng giữ vùng cửa  biển đóng ở Vân Đồn (Quảng Ninh) tập trung đánh đạo binh giặc chở lương thực của quân Nguyên và đã giành nhiều trận chiến thắng.

Chiến công của ông đã góp phần làm cho quân giặc suy yếu và làm cho đạo thủy quân của ta tạo nên chiến thắng lẫy lừng Bạch  Đằng giang sau này.

Với nhiều công trạng, ông được đứng vào hàng ngũ các thân vương lỗi lạc của nhà Trần. Ông đã hóa vào năm Kỷ Mão năm 1339, thọ  61 tuổi,  ông mất tại quê nhà thuộc Bến Đình - xã Quan Lạn - huyện Vân Đồn - tỉnh Quảng Ninh,  sau khi mất, ông được nhà vua phong sắc, cho phép nhân dân lập đền thờ phụng ở nhiều nơi trong đó có Đình làng Phúc Mậu, phường Đồng Mai của chúng ta.

Minh chứng là Đình làng Phúc Mậu  hiện còn lưu giữ được 03 sắc phong quý qua các triều đại vua phong kiến phong cho thành hoàng làng gồm: sắcThành Thái Nguyên niên (1890) - sắc Duy Tân tam niên (1909) và sắc Khải định cửu niên (1924).

Để tưởng nhớ tới ân đức, công lao của Ngài, hàng năm tại Đình làng Phúc Mậu lãnh đạo 2 tổ dân phố, 2 giới các cụ và nhân dân tổ chức Ngày Kỳ phước, (Lễ hội), tổ chức các nghi thức  tế lễ, trò chơi dân gian, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được diễn ra  từ ngày 9 đến ngày 11 tháng Giêng Âm lịch,ngày chính Hội là ngày 10 tháng Giêng,  nhằm ôn lại truyền thống  nhớ về nguồn cội, và dâng lễ vật biết ơn tiên tổ, tưởng nhớ tới ơn đức thánh hoàng làng và cầu nguyện cho quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa,  dân làng an yên, khỏe mạnh, hưởng nhiều phúc lộc.

UBND phường Đồng Mai, Ban quản lý di tích phường cùng lãnh đạo 2 tổ dân phố 12-13,  Ban bảo vệ di tích cùng toàn thể nhân dân, hàng năm đã xây dựng kế hoạch, nội quy giữ gìn,  bảo vệ an toàn di tích, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, các quy định về quản lý, sử dụng di tích đúng mục đích. Thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng đúng với quy định, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế ở địa phương.

Tiếp tục làm tốt công tác xã hội hóa, tự nguyện công đức để  tôn tạo, tu bổ, mua sắm các đồ thờ, tạo cảnh quan môi trường trong khuôn viên đình làng Phúc Mậu ngày một khang trang sạch đẹp, trang  nghiêm nơi thờ tự,  tiếp tục gìn giữ, bảo vệ di tích,  tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa vẻ  vang của dân tộc cho các thế hệ, cho muôn đời sau.

Thực hiện: 

Bộ phận Văn hóa thông tin

Viết bình luận

Xem thêm tin tức