Hãy chung tay hưởng ứng phong trào “chống rác thải nhựa” và
“ Nói không với túi ni lông và sản phẩm từ nhựa sử dụng 01 lần”
Hiện nay, tại những hàng cà phê, quán cơm bình dân, các hàng quán gần các trường học, thức ăn đường phố…, lượng ống hút, thìa nhựa, hộp xốp, túi ni lông được tiêu thụ mỗi ngày là rất lớn. Chủ một cửa hàng trên phố Lò Sũ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, việc sử dụng những vật dụng đựng thực phẩm dùng một lần vừa tiện vừa tiết kiệm bởi không phải thuê nhân công dọn, rửa. Tại Việt Nam, chất lượng mặt hàng này vẫn là điều chưa được quan tâm đúng mức. Mặt hàng đồ nhựa dùng một lần được bày bán tràn lan với giá rất rẻ. Điều đáng nói là trên bao bì sản phẩm không có thông tin về địa chỉ cơ sở sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hướng dẫn cách sử dụng an toàn…
Chúng ta cần thời gian bao lâu để rác thải nhựa và túi ni lông phân hủy? Câu trả lời được đưa ra là túi nhựa cần ít nhất 100 năm, chai nhựa cần ít nhất là 200 năm. Như vậy trong hàng trăm năm đó, rác thải nhựa và túi ni lông không mất đi và hệ lụy gây ra đối với môi trường là rất lớn.
Sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước, bởi rác thải nhựa và túi nilon lẫn vào đất sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản ôxy đi qua đất ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng. Nghiêm trọng hơn, môi trường đất và nước bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa và túi nilon sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người. Thực tế nhiều loại túi nilon được làm từ dầu mỏ nguyên chất khi chôn lấp sẽ ảnh hưởng tới môi trường đất và nước, còn đốt chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch,…
Để “Đường phố xanh cuộc sống an lành” cần nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trong việc tạo dựng và duy trì thói quen không sử dụng túi ni lông và các sản phẩm từ nhựa sử dụng 01 lần, sử dụng bằng chất liệu khác như: “Mang theo túi đựng có thể tái sử dụng để hạn chế túi nilon khi đi mua sắm hàng hóa”, “Dùng chai lọ thủy tinh để đựng đồ thay cho chai lọ nhựa”, “ Ưu tiên mua sản phẩm dùng trong hộp giấy thay vì hộp nhựa”.
Cần sự tham gia của cả cộng đồng dân cư với việc “Bỏ rác đúng nơi quy định – hành động nhỏ, ý nghĩa lớn” hay “Mắt thấy rác, tay nhặt ngay” để có một “Cuộc sống xanh”.
Viết bình luận